Chính phủ Nhật ngày 3/2 loan báo sẽ cách ly chiếc tàu du lịch tới Yokohama sau khi một người Hong Kong từng đi trên tàu này hồi tháng trước được thử nghiệm dương tính với virus corona.
Người đàn ông 80 tuổi bay tới Nhật và xuống tàu du lịch Diamond Princess tại Yokohama hôm 20/1 và lên bờ hôm 25/1, đài NHK loan tin.
Hành khách vừa kể có triệu chứng ho một ngày trước khi lên tàu nhưng tới ngày 30/1 thì phát sốt, tức một ngày trước khi được xác định bị nhiễm virus ở Hong Kong.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật, Yoshihide Suga, cho hay nhà chức trách Nhật sẽ cách ly con tàu.
Con tàu có 2666 hành khách và 1045 thành viên thủy thủ đoàn.
Nhật tới nay báo cáo 20 ca nhiễm virus mới, 17 trong số đó từng tới Vũ Hán, trung tâm của đợt bùng phát dịch do chủng virus corona gây ra.
Philippines cấm nhập cảnh tất cả công dân ngoại quốc đến từ Trung Quốc, sau khi có hai ca nhiễm virus corona được xác nhận ở Philippines, trong đó có một ca tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, New Zealand và Úc đã áp đặt các hạn chế tương tự bất chấp những chỉ trích từ phía Trung Quốc và việc Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng các biện pháp như thế là không cần thiết.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Manila hôm 03/02, các quan chức chính phủ Philippines xác nhận lệnh cấm mở rộng áp dụng cho tất cả những người đến từ Trung Quốc mà không phải là công dân Philippines.
Giới chức Philippines cho biết đang cố gắng hạn chế sự lây lan của căn bệnh này trong nước bằng cách tầm soát và cách ly những ai bị nghi nhiễm.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) loan báo cần có một hệ thống mới để chống lại các đợt bùng phát dịch bởi điều nguy hiểm là thế giới không có sự chuẩn bị cho một đại dịch toàn cầu.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra cảnh báo trong bối cảnh số người chết vì đợt bùng phát virus corona đã lên tới 361, tính tới 03/02.
Số liệu mới nhất cho thấy có 2.829 trường hợp mới được xác nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc lên hơn 17.000.
Theo ông Ghebreyesus, quyết định tuần trước của WHO công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là do các chỉ dấu về sự lây lan từ người sang người bên ngoài Trung Quốc và mối lo ngại về chuyện gì có thể xảy ra nếu virus mới này lan tràn sang một quốc gia có hệ thống y tế yếu kém.
Ông nhiều lần nhấn mạnh rằng việc công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu không phải là một lời chỉ trích đối với cách thức xử lý của Trung Quốc.
Ông nói hiện thống hiện hành công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng “là một công cụ quá trơ mòn để có thể đối phó với các trường hợp khẩn cấp phức tạp" và rằng WHO đang xem xét tới việc đưa ra cảnh báo mức độ tức thời.
Tổng giám đốc WHO cho biết thêm rằng mô hình đối phó với các đợt bùng phát toàn cầu hiện nay là "thiển cận tới mức nguy hiểm và thực sự khó hiểu".
Hôm 03/02 tại thành phố Vũ Hán, khu bệnh xá 1.000 giường được hoàn thành chỉ trong vòng 10 ngày của Trung Quốc có tên Hỏa Thần Sơn đã mở cửa đón những bệnh nhân đầu tiên.
Bệnh viện này và một bệnh viện thứ hai có sức chứa 1500 giường bệnh được lên lịch mở cửa tuần này, được xây tốc hành bởi các đội ngũ thi công làm việc suốt ngày đêm tại Vũ Hán, nơi dịch bệnh được phát hiện đầu tiên hồi tháng 12.
Khoảng 50 triệu người bị cấm rời khỏi Vũ Hán và các thành phố lân cận.
Hai bệnh viện vừa được xây ở Vũ Hán đánh dấu lần thứ nhì giới lãnh đạo Trung Quốc đáp ứng với bệnh dịch mới bằng cách xây bệnh viện đặc trị với tốc độ chóng mặt.
Theo Tân Hoa Xã, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã gửi 1,400 bác sĩ, y tá và nhân viên đến nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến mới triển khai.
Bệnh viện Hỏa Thần Sơn được xây dựng bởi đội ngũ gồm 7,000 thợ mộc, thợ ống nước, thợ điện và các chuyên gia khác, cũng theo Tân Hoa Xã.
Khoảng phân nửa của tòa nhà hai tầng rộng 60.000 mét vuông này là các khu vực cách ly, theo báo nhà nước.
Bệnh viện có 30 phòng chăm sóc tích cực.
Bệnh viện thứ hai đang được xây dựng có tên Lôi Thần Sơn.