Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘lãnh đạm’ với phim chiến tranh của Mỹ


Đạo diễn Ken Burns (trái) và ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, trong một sự kiện về chiến tranh Việt Nam năm 2016.
Đạo diễn Ken Burns (trái) và ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, trong một sự kiện về chiến tranh Việt Nam năm 2016.

Truyền thông trong nước đồng loạt im tiếng về bộ phim tài liệu gây chú ý ở Mỹ, giữa lúc có tin nói rằng “The Vietnam War” (Chiến tranh Việt Nam) bị kiểm duyệt ở Việt Nam vì có các chi tiết “nhạy cảm” về các cố lãnh đạo như ông Hồ Chí Minh.

Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 18/9 về thông tin nói rằng bộ phim “không thể được công chiếu rộng rãi ở quốc gia cựu thù của Mỹ”, ông Brian Moriarty, đại diện truyền thông của nhóm làm phim, cho biết rằng họ “đã có hai buổi chiếu thành công ở Việt Nam, và có thể chiếu các đoạn clip cho những người từng được phỏng vấn trong bộ phim”.

Ông nói thêm rằng do “không có các thông tin cụ thể”, ông “không thể bình luận” về các tin tức trên Facebook nói rằng Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chuyên trách của Đảng Cộng sản Việt Nam về đường lối thông tin và báo chí, đã “cấm” truyền thông đưa tin vì “The Vietnam War” có “các chi tiết nhạy cảm về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, về ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn, hay ông Võ Nguyên Giáp”.

Ông Moriarty nói thêm rằng người dân ở Việt Nam “vẫn có thể xem trên mạng bộ phim tài liệu với phụ đề tiếng Việt” trên trang web của kênh PBS. Ông cũng khẳng định rằng “chúng tôi có người ở Việt Nam đã kiểm tra và xác nhận điều này”.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius viết rằng "dù nhiều người trong số các bạn có thể không đồng tình với tất cả những gì được thể hiện trong bộ phim, chúng ta cần cân nhắc một điều, như bộ phim đã nói ‘Trong chiến tranh, không có sự thật nào là duy nhất’"
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius viết rằng "dù nhiều người trong số các bạn có thể không đồng tình với tất cả những gì được thể hiện trong bộ phim, chúng ta cần cân nhắc một điều, như bộ phim đã nói ‘Trong chiến tranh, không có sự thật nào là duy nhất’"

Trên Facebook hôm 17/9, đúng ngày bộ phim được chiếu trên hệ thống truyền hình công ở Mỹ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius viết: “Để xây dựng một tương lai tươi sáng và công bằng, chúng ta cần thừa nhận và thành thực về quá khứ”.

Để xây dựng một tương lai tươi sáng và công bằng, chúng ta cần thừa nhận và thành thực về quá khứ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.

“Dù nhiều người trong số các bạn có thể không đồng tình với tất cả những gì được thể hiện trong bộ phim, chúng ta cần cân nhắc một điều, như bộ phim đã nói ‘Trong chiến tranh, không có sự thật nào là duy nhất’. Khi chúng ta chấp nhận điều này, chúng ta có thể khép lại quá khứ để tiến về phía trước, làm sâu sắc mối quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Việt Nam viết thêm.

Chưa rõ lý do vì sao phần đông báo chí Việt Nam lại không đăng tin về phim tài liệu dài tập, phải mất một thập kỷ mới hoàn thành và đang thu hút sự quan tâm của công chúng Hoa Kỳ. VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Ban Tuyên giáo Trung ương để phỏng vấn.

Ông John McCain được cho là muốn "xem các câu chuyện của người Bắc Việt".
Ông John McCain được cho là muốn "xem các câu chuyện của người Bắc Việt".

Theo kết quả tìm kiếm trên mạng, duy nhất, chỉ có tờ Thanh Niên cuối tháng trước đưa tin về việc “Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP. HCM sẽ tổ chức buổi chiếu và thảo luận trích đoạn khoảng 90 phút của bộ phim tài liệu dài 18 tiếng ‘The Vietnam War’ (Chiến tranh Việt Nam)”.

Câu trả lời của Lynn đào thêm một ngờ vực khó chịu khác: Có nghĩa là đoạn phim được chiếu giới thiệu ngày hôm đó đã đi qua bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng - trước khi nó xuất hiện được dưới những ánh mắt trẻ măng đã rất thành tâm muốn hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhiều hơn một nghĩa của cờ đỏ hay cờ vàng…
Nhà văn Khải Đơn viết.

Tờ nhật báo thuộc top nhiều người đọc ở Việt Nam viết thêm rằng “đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Lynn Novick có mặt tại VN để giao lưu và tham gia phần thảo luận cùng các khách mời, khán giả trong buổi chiếu”.

Nhà văn Khải Đơn, một trong những người tham dự, kể lại trên Facebook cá nhân: “Cô gái rất trẻ giơ tay hỏi nữ đạo diễn Lynn Novick: ‘Tại sao trong những trích đoạn được xem, tôi chỉ thấy những nhân vật được phỏng vấn từ miền Bắc Việt Nam? - Vậy trong bộ phim tài liệu sắp chiếu có những người từ miền Nam được trả lời phỏng vấn không?’... Lynn Novick mỉm cười nói: “Có, chúng tôi có phỏng vấn những người từ miền Nam. Nội dung đó sẽ có đầy đủ khi bạn xem bộ phim được công chiếu trên trang web của PBS”.

Nữ ký giả từng có thời gian làm việc cho hãng BBC ở Bangkok viết tiếp: “Câu trả lời của Lynn đào thêm một ngờ vực khó chịu khác: Có nghĩa là đoạn phim được chiếu giới thiệu ngày hôm đó đã đi qua bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng - trước khi nó xuất hiện được dưới những ánh mắt trẻ măng đã rất thành tâm muốn hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhiều hơn một nghĩa của cờ đỏ hay cờ vàng…”

VOA Việt Ngữ đã liên hệ với Lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM để hỏi xin đoạn ghi âm về sự kiện này nhằm kiểm chứng thông tin mà nhà văn Khải Đơn đưa ra, nhưng được cho biết rằng buổi chiếu không được ghi lại.

Bà Lynn Novick (ngoài cùng bên phải) trong một sự kiện công bố "The Vietnam War".
Bà Lynn Novick (ngoài cùng bên phải) trong một sự kiện công bố "The Vietnam War".

Trong một buổi thảo luận về “The Vietnam War” ở New York tuần trước, đồng đạo diễn Ken Burns tiết lộ rằng Thượng nghị sĩ John McCain, cựu tù binh chiến tranh ở Việt Nam, “muốn xem câu chuyện của người Bắc Việt”.

Phim tài liệu gồm 10 tập, kéo dài 18 tiếng, được cho là “khám phá khía cạnh con người trong cuộc chiến qua lời kể của gần 80 nhân chứng từ mọi phía”.

Cựu Ngoại Trưởng John Kerry, từng tham chiến ở Việt Nam, tuần trước cũng nói rằng “nếu có một điều gì có thể giúp hàn gắn những sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, khiến những người phản chiến có thể ôm lấy các cựu chiến binh đã cầm súng tại Việt Nam, thì đó là phim tài liệu ‘Chiến tranh Việt Nam’”.

Cựu nhân viên CIA Mỹ không nguôi nhớ về VN
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:09 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG