Việt Nam dự kiến đưa 125.000 người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng vào năm 2024, tập trung vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc giữa lúc nước này siết chặt công tác quản lý, ngăn việc lao động ở lại bất hợp pháp.
Thông tấn xã Việt Nam hôm 20/2 dẫn lời một quan chức Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) nói rằng trong năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 48.000 lao động đến Đài Loan, 63.000 lao động đến Nhật Bản và 8.500 người đến Hàn Quốc.
Việt Nam ưu tiên đưa người lao động ở các vùng miền khó khăn và các đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Thông tin-Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH được TTXVN dẫn lời cho biết.
Ông Tuấn cho rằng việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đơn giản là tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo mà còn là cách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai.
Năm 2023, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt đỉnh điểm với 155.000 người, trong đó, Nhật Bản tiếp nhận hơn 80.000 lao động; Đài Loan đón hơn 58.000 lao động, Hàn Quốc đón hơn 11.000 lao động.
Hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH. Trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 140.000 lao động.
Tại Nhật Bản, hiện có khoảng 380.000 lao động Việt Nam, chiếm 18% tổng số lao động người nước ngoài tại nước này, vẫn thống kê trên.
Tại Đài Loan, hiện có 260.000 lao động Việt Nam, chiếm 35% tổng số lao động nước ngoài, trong khi Hàn Quốc đang sử dụng hơn 50.000 lao động Việt Nam, chiếm hơn 11% lao động nước ngoài tại nước này.
Tạp chí Điện tử Lao động và Công đoàn cho biết tính chung hiện có 46.600 người bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại các nước, chiếm 6% tổng số lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Trong đó, số người bỏ trốn ở thị trường Hàn Quốc có tỷ lệ cao nhất, với hơn 12.200 người, chiếm tới 26% tổng số lao động sang làm việc ở nước này. Con số này ở Đài Loan là hơn 24.000 người, chiếm 9%; trong khi ở Nhật Bản là gần 4.700 người, vẫn tạp chí trên.
Như VOA đưa tin, vào tháng 8/2022, Việt Nam phải dừng tuyển chọn xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc đối với cư dân ở bốn tỉnh gồm Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa theo chương trình Hệ thống Cấp phép Việc làm (EPS) do chính quyền Hàn Quốc siết chặt quy chế cấp thị thực sau khi xảy ra tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp, bỏ ra ngoài khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc hết hạn không về nước.
Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, chính phủ Hàn Quốc đã gỡ bỏ lệnh cấm này, nhưng những lao động có thân nhân gồm bố mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không được tham gia chương trình EPS trên.
Truyền thông trong nước cho biết hiện các cấp chính quyền Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, “nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm” đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với việc rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan.
Diễn đàn