Đường dẫn truy cập

Việt Nam ước tính năm nay tái lập kỷ lục về số người đi lao động ở các nước


Một nhóm người lao động xuất khẩu của Việt Nam tại một sân bay.
Một nhóm người lao động xuất khẩu của Việt Nam tại một sân bay.

Có tới gần 133 nghìn người Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2023, với số người lao động nữ chiếm gần 30%, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) và Tạp Chí Tài Chính đưa tin mới đây, dẫn thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Cục cho hay con số cụ thể là 132.645 người, bao gồm 44.669 phụ nữ. Với con số đó, Việt Nam vượt hơn 20% mục tiêu về xuất khẩu lao động đặt ra cho năm 2023, đó là đưa được 110 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vẫn theo các bản tin hôm 7 và 12/11 của VOV và Tạp Chí Tài Chính.

Tin cho hay Nhật Bản vẫn là nước hàng đầu về tiếp nhận người lao động Việt Nam với 67.550 người. Đứng thứ hai là Đài Loan, nơi đã nhận 50.862 người Việt. Ở vị trí số ba là Hàn Quốc, nước này tuyển dụng 5.973 người lao động Việt, trong đó có 272 lao động nữ. Trung Quốc cũng nằm trong số các thị trường lao động sử dụng nhiều người Việt khi tiếp nhận 1.669 người.

Các nước Hungaria, Singapore, Romania, Ba Lan, Ả rập Xê út và một số nước khác cũng có nhiều người Việt Nam đến làm việc, vẫn theo các bản tin.

Chỉ riêng trong tháng 10, có hơn 21,1 nghìn người đi lao động ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước dẫn lại số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp và cho hai cơ quan báo chí biết.

VOV tường thuật rằng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra dự kiến là đến hết năm 2023, có thể Việt Nam sẽ lại đạt đỉnh về đưa số lượng người đi làm việc ở nước ngoài của năm 2009 là 153.000 người lao động.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước, nói với VOV rằng “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều quốc gia và thị trường có mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam với thỏa thuận mới”.

Ông nêu ra việc các nước phát triển rơi vào tình trạng dân số suy giảm và già hóa, bên cạnh đó, sau đại dịch, nhu cầu phát triển, phục hồi kinh tế của các nước cũng đang rất mạnh, vì vậy, “họ rất thiếu nhân lực”, theo lời ông.

Vị phó cục trưởng nhấn mạnh rằng “Đây là cơ hội cho chúng ta tiếp tục duy trì và ổn định thị trường lao động ngoài nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài”.

Trong hàng chục năm nay, Việt Nam thực hiện chính sách đưa người lao động tới các nước đối tác để giải quyết một loạt vấn đề gồm tạo công ăn việc làm, giảm sức ép về việc làm trong nước, học hỏi nâng cao tay nghề, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình họ, và thu ngoại tệ về cho đất nước.

Một số cơ quan báo chí như Dân Trí, VietnamNet từng nêu vấn đề trong những năm gần đây rằng người Việt ra nước ngoài với vị thế “làm thuê”, “nhân công giá rẻ” và đến nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi.

Các báo chỉ ra rằng đến 70-80% những người đi xuất khẩu lao động để kiếm một số vốn rồi trở về nước với tâm thế là đi làm thuê tiếp, chỉ có một số ít thực hiện được khẩu hiệu truyền miệng “đi làm thuê, về làm chủ”.

Bên cạnh đó, như VOA từng làm phóng sự điều tra và một số báo trong nước đã tường thuật, trong số những người Việt đi làm thuê ở nước ngoài, không ít người có trình độ văn hóa thấp, kém ngoại ngữ nên đã bị lừa gạt, xâm hại, ngược đãi hay bị bóc lột ở xứ người.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG