Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ hôm 23/1 kêu gọi Washington chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường” đối với Hà Nội, cảnh báo rằng việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn, theo Reuters.
Năm ngoái, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nói họ sẽ xem xét lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam sau khi Hà Nội lập luận rằng Việt Nam cần được loại khỏi danh sách này do có những cải cách kinh tế trong những năm gần đây. Bị đưa vào danh sách NME từ trước đến nay, Việt Nam liên tục bị bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ.
Việc định danh “nền kinh tế phi thị trường”, cũng được áp dụng đối với Trung Quốc, Nga, và một số nước khác do có sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế của các nước này, cho phép Hoa Kỳ áp đặt thuế chống bán phá giá cao hơn đáng kể đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia bị xác định như vậy, bằng cách dựa vào giá của nước thứ ba để so sánh.
Theo luật của Hoa Kỳ, quá trình xem xét này bắt đầu vào ngày 24/10/2023 và phải được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức vào khoảng giữa tháng 7/2024.
“Tất nhiên, chúng tôi muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách của Hoa Kỳ về các nước có nền kinh tế phi thị trường”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ. Ông nói rằng Việt Nam không đáng bị liệt vào diện kinh tế phi thị trường, một quy chế mà hiện Mỹ đang định danh chỉ cho một nhóm nhỏ gồm 12 quốc gia trên thế giới.
“Qúy vị tưởng tượng xem, với những gì chúng ta đã làm, những gì chúng ta đang cố gắng, và hãy nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước chúng ta mà xem, liệu có thể chấp nhận được không khi mà Việt Nam nằm trong số 12 nước đó… những nước tệ nhất thế giới ư?”
“Như vậy là không thể chấp nhận được”, Đại sứ Dũng nói. “Vì vậy, tôi nghĩ nếu DOC từ chối thực hiện điều này, tôi nghĩ nó sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước”.
Năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden. Trong cùng năm, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen chấm dứt việc gắn nhãn NME này.
Ông Dũng nói rằng Việt Nam đang muốn kêu gọi thêm đầu tư từ Hoa Kỳ để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và đáp ứng các cam kết về phát thải carbon.
“Chúng tôi muốn có thị trường thuận lợi và cởi mở hơn cho hàng hóa và dịch vụ của cả hai quốc gia”, nhà ngoại giao Việt Nam phát biểu, và nói thêm: “Tất nhiên, chúng tôi cũng muốn sẽ có ít trường hợp bị điều tra hơn”.
Ông Dũng nói rằng Hà Nội hy vọng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ dẫn dắt một ngày nào đó sẽ bao gồm cả việc tiếp cận thị trường, điều mà các nước châu Á đang mong có.
Ông cũng cho hay Việt Nam muốn Hoa Kỳ giúp đỡ nhiều hơn trong việc xử lý bom mìn chưa nổ còn sót lại sau Chiến tranh Việt Nam.
Ông nói: “Những gì chúng ta đã làm là tuyệt vời, nhưng chúng ta vẫn còn phải làm nhiều hơn nữa”. “Chúng ta phải tăng tốc và chúng ta cần nhiều tiền hơn”, vẫn lời ông Dũng.
Ông Dũng được hỏi về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump, từng đứng đầu chính quyền trước đây vốn đã đe dọa áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam với cáo buộc thao túng tiền tệ, nay là ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa.
Ông Dũng cho rằng có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với quan hệ đối tác Việt-Mỹ, song ông cũng nhìn nhận rằng: “Sự nhiệt tình có thể thay đổi theo từng thời điểm, tùy thuộc vào hoàn cảnh, những diễn biến của thời đại, ở mỗi quốc gia”.
Diễn đàn