VOA: Gần đây Việt Nam đã có những động thái kinh tế đáng chú ý như phá giá đồng tiền trước Tết và tăng giá 2 mặt hàng rất quan trọng, là xăng và điện, sau Tết. Điều gì đang xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam?
TS Trần Lê Anh: Đó là sự bộc lộ của những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Tiền đồng bị mất giá chủ yếu là do lạm phát và nhập siêu trầm trọng gây ra. Khi người ta đổ xô đi mua đôla thì cầu sẽ vượt xa cung, gây sức ép liên tục lên tỷ giá. Như vậy bắt buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá theo hướng làm giảm bớt tiền đồng với hy vọng bảo vệ được dự trữ ngoại hối, và giảm bớt nhập siêu. Còn giá xăng và giá điện tăng phần lớn do giá thành sản xuất tăng, và do tiền đồng bị mất giá, làm cho giá nhập khẩu nhiên liệu đầu vào tăng. Qua đây ta có thể thấy hai vấn đề mấu chốt. Thứ nhất, hậu quả của những chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng để tăng trưởng kinh tế trước đây dần dần bộc lộ ra, thể hiện qua lạm phát. Thứ nhì nền kinh tế Việt Nam chưa khả năng sản xuất được nhiều mặt hàng dựa vào nguồn đầu vào trong nước; do đó phải nhập khẩu rất nhiều, đưa đến những khó khăn do nhập siêu quá cao gây ra.
VOA: Việt Nam bấy lâu nay muốn các nước khác, đặc biệt là Mỹ, công nhận mình có nền kinh tế thị trường, vậy các biện pháp phá giá tiền và tăng giá xăng, điện có phù hợp với những qui luật của kinh tế thị trường không?
TS Trần Lê Anh: Về tỷ giá thì chính sách của Việt Nam hiện nay là điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu của thị trường; nhưng có sự can thiệp, điều tiết của nhà nước. Trên lý thuyết, cung cách điều hành như vậy là thích hợp trong bối cảnh của nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, khi các thị trường như tiền tệ và tài chính chưa được phát triển, rất dễ gây rủi ro khi hoàn toàn thả nổi tỷ giá theo thị trường tự do.
Nhưng trong thực tế, việc điều hành tỷ giá ở Việt Nam vẫn chưa thực sự linh hoạt, thường đợi nước đến chân mới nhảy. Cái khó ở đây là khả năng linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường bị hạn chế bởi những mục tiêu khác của chính phủ.
Về vấn đề tăng giá xăng và điện thì khi giá đầu vào tăng thì giá đầu ra tăng là chuyện bình thường của thị trường.
Chính phủ Việt Nam cũng đang cố gắng để giá cả vận hành theo cơ chế thị trường. Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự điều chỉnh giá bán ra trong phạm vi cộng trừ 7% khi giá thành thay đổi; nhưng vấn đề được đặt ra ở đây là khi một số thị trường quan trọng bị độc quyền hay gần như độc quyền nắm giữ thì liệu thị trường có hoạt động có hiệu suất hay không.
VOA: Thành phần nào phải hứng chịu thiệt thòi trong bối cảnh rối ren của tỷ giá và lạm phát hiện nay?
TS Trần Lê Anh: Khi đồng bạc Việt Nam bị mất giá so với đồng đôla thì hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, vì đôla là ngoại tệ thanh toán chính cho các đơn đặt hàng nhập khẩu của Việt Nam. Vì thế cho nên trước mắt, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp bất lợi, và kế đến là người tiêu dùng. Ở Việt Nam có những mặt hàng nhập khẩu mà người tiêu dùng phải chấp nhận mua với giá rất cao, chẳng hạn như sữa bột cho em bé. Còn đối với diễn biến lạm phát nói chung, thì trước sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như xăng và điện, thì thành phần chịu thiệt thòi nhiều nhất là những người có thu nhập thấp, chẳng hạn như các công nhân. Trong khi giá cả các nhu yếu phẩm cứ tăng mà đòi lên lương là chuyện không phải dễ, cho nên công nhân đặc biệt gặp khó khăn.
VOA: Ngoài việc gia tăng lạm phát thì việc phá giá tiền và tăng giá các mặt hàng chính có gây ra những hậu quả gì khác không?
TS Trần Lê Anh: Tất nhiên là có. Thứ nhất là yếu tố tâm lý. Khi công chúng lo sợ đồng tiền sẽ tiếp tục bị mất giá và giá cả sẽ leo thang, thì nó sẽ làm công việc điều hành chính sách của chính phủ bị giảm tác dụng. Thứ nhì, khi lạm phát có chiều hướng gia tăng mạnh, áp lực để chính phủ phải đưa ra những chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt sẽ trở nên mạnh hơn. Làm như vậy hệ quả sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên mức độ tăng trưởng kinh tế; dẫn đến khả năng vừa đạt mục tiêu ổn định kinh tế vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thích hợp trở nên khó khăn hơn rất nhiều
VOA: Hướng giải quyết của chính phủ Việt Nam là như thế nào và nhận xét của tiến sĩ về hướng đó ra sao?
TS Trần Lê Anh: Đối với vấn đề lạm phát thì Việt Nam đưa ra chỉ tiêu là giữ cho lạm phát không quá 7% trong năm nay. Do đó, trước những diễn biến phức tạp của giá cả thì chính phủ Việt Nam cũng có chủ trương thực hiện các biện pháp như kiểm soát giá cả, cân đối cung cầu và sử dụng các công cụ và chính sách tiền tệ để kềm chế lạm phát. Nhưng tôi nghĩ kềm chế lạm phát ở mức theo như chỉ tiêu đã định ra trong bối cảnh hiện nay không dễ chút nào. Nó phụ thuộc rất lớn vào việc chấp nhận đánh đổi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; và đó là một quyết định mang tính chất chính trị. Tôi nghĩ, trước mắt Việt Nam sẽ cố gắng kềm chế lạm phát, nhưng chỉ trong chừng mực mà ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế có thể chấp nhận được bởi yếu tố chính trị. Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã dự báo là lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ là trên 7%. Có chỗ còn đưa ra con số trên 10%, như của EIU, Economist Intelligence Unit.
Trong khoảng thời gian mấy ngày trước Tết cho đến nay, Việt Nam đã có những quyết định quan trọng về kinh tế. Nhân dịp này, tiến sĩ Trần Lê Anh, giáo sư Đại học Lasell, bang Massachusetts đã dành cho Ban Việt ngữ buổi trao đổi về những quyết định đó.