Đường dẫn truy cập

Virus corona trắc nghiệm luật chống tin giả tại Đông Nam Á


Bộ Thông tin Pakistan mở một tài khoản mới trên twitter để vạch trần những tin giả trên truyền thông xã hội.
Bộ Thông tin Pakistan mở một tài khoản mới trên twitter để vạch trần những tin giả trên truyền thông xã hội.

Một loạt các đạo luật mới tại Đông Nam Á cấm loan truyền tin giả đang được trắc nghiệm vì sự lây lan của virus corona, với những blogger tại ít nhất 2 nước đối mặt với án tù vì đưa lên blog các dòng tin dù chỉ một câu mà thôi.

Nhà cầm quyền nói họ chỉ nỗ lực ngăn ngừa công chúng hoảng loạn vì virus corona, nhưng những người chỉ trích cho rằng bắt bớ công dân vì họ đăng tải thông tin trên truyền thông xã hội là quá đáng và ngăn chặn tự do ngôn luận.

Nhiều quốc gia tại Đông Nam Á, trong những năm gần đây đã thông qua những đạo luật chống tin giả. Điều này cộng với khuynh hướng cai trị độc đảng ngày càng tăng trong vùng đã gia tăng khả năng là nhà cầm quyền sẽ đàn áp những nội dung Internet có vấn đề.

Có ít nhất hai người tại Thái Lan và hai người tại Indonesia đối mặt với 5 năm tù vì bị cáo buộc loan tin giả về virus corona. Bà Wan Noor Hayati Wan Alias, một nhà báo tại Malaysia đang đối mặt với 6 năm tù vì bài viết về virus corona của bà trên truyền thông xã hội. Việt Nam đe dọa phạt nặng về những tin giả liên hệ đến virus, trong khi Singapore ra lệnh cho các trang mạng sửa lại những tin tức như vậy.

“Cứ đà này thì mọi người sẽ quá sợ không dám chia sẻ quan điểm về bất cứ vấn đề gì,” ông Teddy Baguilat, một cựu thành viên quốc hội Philippines nói.

Những người như ông Baguilat quan ngại về khả năng người ta sẽ sợ hãi không dám lên tiếng, một phần, vì trường hợp tử vong của bác sĩ Lý Văn Lượng tại Trung Quốc, nơi truyền thông xã hội hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản.

Ông Lý nằm trong số những bác sĩ Trung Quốc đầu tiên cảnh báo về virus corona vào ngày 30/12 năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó một vài ngày, nhà cầm quyền buộc ông rút lại cảnh báo. Bác sĩ Lý đã chết vì virus, những người chỉ trích xem trường hợp của ông như là một câu chuyện cảnh báo của nhà cầm quyền, đàn áp những thông tin họ cho là giả, có thể đã làm cho virus lan xa hơn nữa.

Nếu nhà cầm quyền đi quá xa, họ có thể đe dọa tự do ngôn luận, kể cả tự do báo chí, theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả.

“Cáo buộc sai lầm và không đúng chỗ đối với nhà báo Malaysia Wan Noor Hayati Wan Alias phải được hủy bỏ tức thì,” ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp của Ủy ban Bảo vệ Ký giả tại Đông Nam Á, nói.

“Ký giả ở khắp nơi phải được phép tường trình tự do và bình luận về virus corona, và giúp cho công chúng có được thông tin đầy đủ về sự tiến triển của y tế khẩn cấp,” ông nói thêm.

Trong kỷ nguyên Internet, nhiều quốc gia đang chật vật đối phó với tin giả mà nhiều người lo ngại đã ảnh hưởng đến những cuộc bầu cử chính trị từ Hoa Kỳ cho đến Brazil. Vấn đề đặc biệt của Đông Nam Á là các đạo luật chống lại tin giả ra đời thường xuyên hơn và các nước trong vùng có tỷ lệ tăng trưởng Internet cao nhất trên thế giới, có nghĩa là càng ngày càng có thêm người dân ở Đông Nam Á mới biết về Internet, với tất cả những tiềm năng bị thông tin sai lạc.

Năm ngoái Singapore ban hành Luật Bảo vệ chống sự Giả mạo trên Mạng và Thao túng. Cũng vào năm ngoái, Luật an ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực, giúp nhà cầm quyền có thể yêu cầu các trang truyền thông xã hội hủy bỏ thông tin giả.

Malaysia đảo ngược các kế hoạch ban hành luật tương tự vào năm ngoái, nhưng vẫn bắt giữ những công dân vì đưa lên mạng tin tức về virus corona. Luật Trao đổi Thông tin và Điện tử trở thành luật mới chống tin giả trên thực tế, theo ông Ross Tapsell, một diễn giả và một nhà nghiên cứu cao cấp tại trường Cao đẳng về châu Á và Thái Bình Dương thuộc Trường đại học Quốc gia Australia.

Vì những luật này tương đối mới, virus corona là trường hợp đầu tiên các bản tin trong vùng thực sự ảnh hưởng đến tất cả Đông Nam Á và buộc chính phủ các nước này phải quyết định áp dụng luật thông tin như thế nào đối với dịch bệnh đang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, những người chỉ trích lo ngại rằng chính phủ đang dùng những tin bất lợi về virus như là lý do để đàn áp những nội dung không có lợi đối với chính phủ. Những chỉ trích này nói, bất kể các tin đưa lên mạng là thật hay giả, thì chính phủ vẫn dùng các tin này như là một lý do để bỏ tù công dân của họ.”

“Trong khi điều quan trọng đối với nhà cầm quyền là ngăn ngừa việc lan truyền những tin tức thất thiệt và đảm bảo tin tức chính xác về virus corona trên toàn khu vực, chúng tôi đang thấy một khuynh hướng đáng lo ngại về những đạo luật với ngôn từ mơ hồ được dùng để đàn áp công dân,” ông Baguilat nói. Ông cũng là một thành viên Hội đồng Quản trị của Nghị hội ASEAN Phụ trách về Nhân quyền.

XS
SM
MD
LG