Bộ Công Thương Việt Nam hôm 14/10 khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam đạt được “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa duy trì sản xuất để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cam kết của nhà chức trách Việt Nam được đưa ra tại một hội nghị trực tuyến với Samsung Việt Nam và hơn 20 nhà cung ứng của Samsung Việt Nam tại TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và xử lý các kiến nghị của Samsung và các nhà cung ứng, và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Trước đó, hôm 12/10, tờ Bloomberg cho biết hai nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới là Tập đoàn Intel và Công ty Điện tử Samsung đang đặt mục tiêu khôi phục lại toàn bộ hoạt động của các nhà máy của họ ở TPHCM vào cuối tháng 11, nhằm giúp cho chuỗi cung ứng toàn cầu không bị đứt gãy do tác động của đại dịch COVID-19.
Tờ báo dẫn lời một quản lý của Khu Công nghệ cao Sài Gòn, nơi đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuê đất tại đây, cho biết nhiều doanh nghiệp hiện đang hoạt động ở mức khoảng 70% công suất và sẽ hoạt động hết công suất vào tháng tới. Tuy nhiên, đại diện này không cho biết làm thế nào để có thể thu hút đủ số lao động quay trở lại làm việc sau làn sóng di cư về quê của công nhân khỏi các khu vực sản xuất lớn.
Nhiều công ty hoạt động trong Khu Công nghệ cao Sài Gòn đã mất khoảng 20% đơn hàng xuất khẩu trong tháng 7 và tháng 8, quản lý Khu Công nghệ được báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời cho biết.
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến Việt Nam phải áp đặt lệnh phong toả, cách ly và đóng cửa gần như toàn bộ nhà máy ở TPHCM và các tỉnh “tâm dịch”.
Các doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động phải đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ” (làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) do chính phủ Việt Nam đặt ra. Intel đã phải chi ra 6 triệu đô la mỗi tháng để đáp ứng các quy định này, vẫn theo Bloomberg.
Vào tháng 7, Samsung đã phải đóng cửa 3 trong số 16 phân xưởng của mình tại Khu công nghệ cao Sài Gòn trong lúc cắt giảm hơn một nửa số công nhân.
Tại cuộc họp ngày 14/10, Samsung Việt Nam và các nhà cung ứng đã kiến nghị với Bộ Công Thương về những khó khăn đang gặp phải như: Doanh nghiệp phải hoạt động dưới công suất hay tạm dừng hoạt động, thiếu nhân lực, việc di chuyển khó khăn giữa các khu vực, các chi phí phát sinh liên quan đến việc phòng chống dịch...
Đại diện của Samsung nhấn mạnh đến nguy cơ bị mất thị trường nếu chuỗi cung ứng và xuất khẩu bị gián đoạn, tình trạng đình trệ dẫn đến việc khách hàng hủy đơn hàng và thay đổi chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng áp dụng các quy định, kiểm soát lưu thông hàng hoá không phù hợp và thiếu đồng bộ ở các địa phương gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Sự ổn định của các doanh nghiệp cung ứng đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu nói chung và Samsung Việt Nam nói riêng. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua, Samsung Việt Nam đã nỗ lực cùng các công ty cung ứng khắc phục khó khăn bằng cách thường xuyên làm việc với các công ty cung ứng, động viên cán bộ công nhân viên, chỉ đạo để các công ty trong mạng lưới cung ứng cùng áp dụng phương án phòng dịch đồng nhất, hỗ trợ một phần kinh phí phòng dịch”, trang tin chính thức của Chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, nói.
Ông bày tỏ hy vọng các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để “giúp củng cố lòng tin của doanh nghiệp vào Chính phủ”.
Đại diện Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cam kết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, cập nhật kịp thời các chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới và giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.