Phát biểu tại phiên đối thoại với Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet trong lễ khai mạc phiên họp lần thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Đại diện thường trực của Việt Nam khẳng định thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là chính sách nhất quán của Hà Nội, TTXVN cho biết hôm 23/6.
Tin cho hay Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong phiên đối thoại hôm 21/6 còn nhấn mạnh rằng nhân quyền không nên bị chính trị hóa để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền hoặc để chỉ trích các quốc gia.
Khẳng định của Việt Nam được đưa ra ngay sau khi một báo cáo mới được công bố của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) cho biết hiện có 288 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và 79 người bị chính quyền bắt giữ trong năm qua.
Báo cáo được đưa ra hôm 20/6 của VNHR cho biết có ít nhất 46 người đã bị bắt giữ và truy tố tính đến ngày 31/5 vì vi phạm Bộ luật Hình sự 2015 sau khi “bày tỏ quan điểm chính trị của họ thông qua mạng xã hội”, một cáo buộc mà các nhà chức trách gọi là “chống phá nhà nước”. Nhóm nhân quyền ở California cho biết những người khác bị bắt trong năm qua bao gồm các nhà hoạt động chính trị, nhà báo độc lập và những người khiếu kiện về quyền đất đai.
Tại lễ khai mạc phiên họp, diễn ra từ ngày 21/6 – 15/7 ở LHQ, Đại sứ Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai đề cập đến “cuộc chiến chống đại dịch COVID-19” của Việt Nam và “Quỹ vaccine COVID-19” do chính phủ Việt Nam thành lập và nói rằng Việt Nam đã nỗ lực hết sức để đảm bảo người dân được hưởng các quyền cơ bản của con người, trong đó ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, Cao uỷ Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet nói giữa lúc ứng phó với đại dịch Covid-19, các quốc gia cũng cần đảm bảo các quyền dân sự chính trị như quyền tham gia vào các hoạt động công cộng, quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội.
Tin cho hay Việt Nam đang có kế hoạch tham gia tổ chức tranh luận về quyền của người cao tuổi trong bối cảnh biến đổi khí hậu thay mặt cho nhóm nòng cốt gồm Bangladesh, Philippines và Việt Nam. Dự kiến, Hà Nội sẽ giới thiệu dự thảo nghị quyết về biến đổi khí hậu và nhân quyền vào năm 2021, tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương.