Việt Nam mong muốn sự hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia trong việc xây dựng căn cứ hải quân ‘đóng góp cho hòa bình của khu vực’, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng hôm 9/6 tại một cuộc họp báo thường kỳ.
Trước đó một ngày, hôm 8/6, Campuchia đã tổ chức lễ khởi công công trình cải tạo căn cứ hải quân Ream với sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên, AFP đưa tin.
Công trình do phía Trung Quốc bỏ vốn đầu tư bao gồm mở rộng một bệnh viện, xây các cầu cảng, nâng cấp các ụ sửa chữa, tài trợ thiết bị quân sự và sửa chữa 8 tàu chiến của Campuchia, ông Tea Banh được dẫn lời nói.
“Căn cứ hải quân Ream nhỏ, do đó chúng tôi cần nâng cấp căn cứ để bảo vệ quốc gia, lãnh thổ và chủ quyền của chúng tôi,” ông Tea Banh phát biểu trong lễ khởi công và nhấn mạnh việc xây dựng căn cứ này ‘phù hợp với Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Campuchia’.
Vị bộ trưởng quốc phòng này cũng trấn an rằng căn cứ này ‘không gây ra đe dọa cho bất kỳ ai’ vì ‘nó rất nhỏ’.
Về phần mình, Đại sứ Vương được tờ Khmer Times dẫn lời nói tại lễ khởi công rằng căn cứ này ‘không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và sẽ có lợi cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa quân đội hai nước, thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế’.
Khi được phóng viên hỏi về vấn đề này tại cuộc họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới. Đồng thời, việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới.”
‘Căn cứ bí mật’
Trước đó, tờ Washington Post đưa tin rằng Bắc Kinh đang xây dựng căn cứ hải quân Ream tại tỉnh Sihanoukville trên bờ Vịnh Thái Lan gần lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, phía Phnom Penh đã bác bỏ điều này. Phát ngôn nhân chính phủ Campuchia, Phay Siphan, nói với hãng tin AFP rằng Campuchia sẽ ‘không để quân đội Trung Quốc sử dụng độc quyền căn cứ Ream hay phát triển địa điểm này làm căn cứ quân sự’ và khẳng định lập trường ‘không cho quân đội nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ’.
Washington Post dẫn lời các quan chức phương Tây cho biết việc xây dựng này là ‘bí mật’ và căn cứ này chỉ để cho phía Trung Quốc ‘độc quyền sử dụng’.
Căn cứ Ream sẽ cho phép neo đậu chiến hạm lớn ở vùng biển nằm về phía Tây Biển Đông – nhân tố quan trọng để giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng trong khu vực cũng như củng cố sự hiện diện của họ gần các tuyến đường biển trọng yếu, các quan chức và phân tích gia phương Tây được Washington Post dẫn lời nói với điều kiện giấu tên do tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Một quan chức Bắc Kinh đã xác nhận với Washington Post rằng họ sẽ ‘sử dụng một phần căn cứ’ nhưng bác bỏ việc họ ‘độc quyền sử dụng’ căn cứ này và nói họ sẽ ‘không đụng đến phần căn cứ do phía Campuchia sử dụng’.
Hồi năm ngoái, tòa nhà ‘Hữu nghị Việt Nam-Campuchia’ do phía Việt Nam xây dựng đã được dời ra khỏi căn cứ hải quân Ream để tránh xung đột với phía Trung Quốc, cũng theo Washington Post.
Đây là căn cứ nước ngoài thứ hai của Bắc Kinh trên thế giới, sau căn cứ hải quân ở Djibouti thuộc vùng Sừng của châu Phi và nằm trong chiến lược của Bắc Kinh là xây dựng mạng lưới các cơ sở quân sự trên toàn thế giới để thực hiện tham vọng là cường quốc toàn cầu, tờ báo này cho biết.