Một đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 20/10 khẳng định Việt Nam là một trụ cột chính trong “Chính sách hướng Đông” và là “đối tác quan trọng” trong Sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của nước này.
Phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phụ trách phương Đông Riva Ganguly Das được đưa ra giữa bối cảnh nước này đang nỗ lực tăng cường hơn nữa quan hệ an ninh hàng hải với các nước thành viên chủ chốt của ASEAN, trước những hành động quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực biên giới Trung - Ấn và khu vực Thái Bình Dương.
“Việt Nam là một trụ cột chính trong ‘Chính sách Hành động Hướng Đông’ của Ấn Độ và là một đối tác quan trọng trong ‘Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương’ vốn dựa trên các giá trị và lợi ích chung trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực”, Thứ trưởng Ngoại giao Ganguly Das nói tại “Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ-Việt Nam” được tổ chức trực tuyến tại New Delhi.
Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khuôn khổ hợp tác được Chính phủ Ấn Độ hậu thuẫn với mục tiêu tạo ra một khu vực hàng hải an toàn và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tại hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2019 ở Thái Lan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đề xuất hình thành “Sáng kiến Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương” nhằm duy trì và sử dụng bền vững khu vực hàng hải này, đồng thời nỗ lực tạo ra một không gian hàng hải an toàn và an ninh.
Ý tưởng này càng trở nên thu hút khi Nhật Bản đồng ý tham gia và trở thành đối tác chính giúp kết nối Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, với vai trò nổi bật trong ASEAN và cũng là quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng và an ninh.
Các dự án thăm dò dầu khí mà Việt Nam hợp tác với Ấn Độ ở Biển Đông lâu nay vẫn bị Bắc Kinh phản đối và tìm cách gây khó dễ.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng ngoại giao Ấn Độ nói mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ - Việt Nam đã được mở rộng ra một loạt các lĩnh vực hợp tác, từ tiếp xúc chính trị tới kinh tế và đối tác phát triển, hợp tác quốc phòng và an ninh, trao đổi văn hóa và giao lưu giữa người dân với nhau.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam, Ấn Độ hiện đang có 278 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 880 triệu USD. Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam vào Ấn Độ đạt 28,5 triệu USD, theo lời bà Ganguly Das. Kim ngạch thương mại hai chiều trong thời gian qua đã tăng từ mức chỉ 200 triệu USD vào năm 2000 lên 12,34 tỷ USD trong năm tài khóa 2019-2020.
Giới chức ngoại giao Ấn Độ nói Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 18 trên toàn cầu và lớn thứ 4 trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Ấn Độ, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Trong khi đó, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, truyền thông Ấn Độ hôm 20/10 cho hay Hà Nội đã mời New Delhi tham gia hội nghị cấp cao trực tuyến của ASEAN diễn ra từ ngày 13 đến 15/11.
Với cương vị Chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam đã mời tất cả 10 đối tác đối thoại tham dự hội nghị thượng, bao gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN năm nay thu hút sự chú ý vì diễn ra giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 và trước sự hung hăng của Trung Quốc trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền trong khu vực.
Tại cuộc họp của “Bộ tứ kim cương” (gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) gần đây, các bộ trưởng nhóm này cũng tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.