Đường dẫn truy cập

Việt Nam và EU ký hiệp định thương mại ‘cột mốc’


Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cùng quan chức hai nước tại lễ ký kết.
Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cùng quan chức hai nước tại lễ ký kết.

Sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) hôm 30/6 đã ký Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư mà hai phía nói rằng “sẽ đặt một cột mốc trong quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”.

Cao uỷ Thương mại EU Cecilia Malmström và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã tham dự lễ ký tại Hà Nội.

Tuyên bố chung nói rằng đây là “hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất của EU với một nền kinh tế mới nổi cho tới nay” và “dựa trên một cam kết chung của hai bên đối với tự do hoá thương mại mang tính cởi mở, công bằng và dựa trên luật lệ, và quá trình hội nhập kinh tế”.

“Các Hiệp định sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xa hơn nữa và tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, qua đó làm sâu sắc sự hợp tác và củng cố quan hệ lâu bền giữa hai phía”, thông cáo của hai bên có đoạn.

“Các hiệp định này cũng củng cố thêm sự can dự của EU với khu vực Đông Nam Á, khu vực có đóng góp vào việc tăng cường hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và EU, hướng tới mục tiêu về một mối quan hệ thương mại và đầu tư gần gũi hơn giữa hai khu vực”.

EU không chỉ “hoan nghênh những bước tích cực gần đây của Quốc hội Việt Nam trong các vấn đề về lao động, cụ thể là việc phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Thương lượng tập thể cũng như kế hoạch thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tiếp theo vào mùa thu năm 2019” mà còn về “kế hoạch của Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc trình Công ước 105 [về việc bãi bỏ cưỡng ép lao động] và 87 [về quyền tự do hội họp và bảo vệ quyền tổ chức] của ILO lên Quốc hội Việt Nam để tiến hành thủ tục phê chuẩn các công ước này vào các năm tương ứng là 2020 và 2023”.

Một số nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền đã nêu lên quan ngại về các vấn đề liên quan tới lao động ở Việt Nam trước khi các hiệp định được ký kết.

Tin cho hay, các hiệp định này sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và Nghị viện EU để được thông qua, cũng như được trình lên các nghị viện quốc gia của các nước thành viên EU đối với trường hợp của Hiệp định Bảo hộ Đầu tư.

Báo điện tử chính phủ Việt Nam dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại lễ ký kết rằng hai hiệp định trên “mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG