Việt Nam mới lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Anh “chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng hôm 4/2 nói rằng “Anh là đối tác thương mại quan trọng của các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam” nên “Việt Nam ủng hộ Anh tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với khu vực, sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh”.
Trước đó, theo BBC, Anh hôm 1/2 đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP và chính phủ nước này nói rằng việc tham gia nhóm “các quốc gia phát triển nhanh này” sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Anh.
Tin cho hay, quyết định trên được đưa ra một năm sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng CPTPP là “một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ về hợp tác của các nước khu vực” và rằng “các nước CPTPP đã thống nhất quy trình gia nhập, theo đó các nền kinh tế quan tâm cần đáp ứng tiêu chuẩn của hiệp định và quy trình này”.
Năm ngoái, sau chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã ngỏ lời "cám ơn về sự ủng hộ của Việt Nam đối với nguyện vọng của Anh xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”.
Theo Đại sứ quán Anh, ông Raab “mong muốn chứng kiến mối quan hệ giữa Anh và Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thập kỷ tới khi đất nước và người dân Việt Nam ngày càng đóng vai trò lớn hơn trên bình diện toàn cầu”.
Viết trên Twitter, đăng kèm hình ảnh cuộc trao đổi với quan chức Việt Nam, Ngoại trưởng Raab nói rằng Anh đã có được sự ủng hộ của Việt Nam để tham gia CPTPP.
"Đây là một bước tiến quan trọng nhằm đưa mối quan hệ kinh tế Anh - Việt lên một tầm cao mới, đồng thời thể hiện cam kết và giá trị của Vương quốc Anh đối với khu vực," ông Raab viết thêm.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được 11 thành viên, trong đó có Việt Nam, ký kết năm 2018 sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).