Khi Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine Yasser Arafat bắt tay trên thảm cỏ của Tòa Bạch Ốc vào tháng 9 năm 1993, thế giới chứng kiến một khoảnh khắc mang đầy tính biểu tượng, khi hai kẻ thù không đội trời chung rốt cuộc đạt được một thoả thuận hòa bình lịch sử. Nhưng bản hiệp định đã được soạn trong nhiều tháng đàm phán bí mật qua kênh cửa sau ở Na Uy. Một vở kịch thử nghiệm trước khi được đưa lên sân khấu Broadway, có tên OSLO, tìm hiểu về khía cạnh ít được biết đến đó trong tiến trình hòa bình một thời đầy hứa hẹn cho Trung Đông.
Phân cảnh quan trọng nhất trong vở OSLO là một khung cửa. Ở một bên là các cuộc đàm phán; ở phía bên kia là hai vợ chồng, hai người chưa hề bước qua ngưỡng cửa đó.
Mona, người vợ nói: “Nhiều người bị giết hại, Terje ạ. Người dân đang nổi loạn.”
Terje, người chồng trả lời: “Anh biết. Thật là một thảm cảnh. Nhưng đó chính là điều kiện hoàn hảo để đạt tiến bộ. Sự tuyệt vọng mà người ta cảm thấy ở cả hai bên, chính là đồng minh của chúng ta”.
Terje Rød-Larsen là một nhà xã hội học và là một học giả, Mona Juul là một nhà ngoại giao nước ngoài trẻ tuổi. Chị đã được phái tới Cairo công tác, ở đó họ đã quen biết những người ở cả hai phía trong cuộc xung đột. Khi cuộc đàm phán chính thức tại thủ đô Washington bị đình trệ, cặp vợ chồng này đã dàn xếp để cả hai bên gặp gỡ bí mật ở Na Uy, mà không có sự chấp thuận trước của chính phủ hai bên. Terje Rød-Larsen giờ là chủ tịch Viện Hòa bình Quốc tế.
Ông giải thích:
"Chúng tôi đã làm theo một cách khác, nói chính xác là làm ngược lại những gì được thực hiện ở Washington. Chúng tôi không đưa đề xuất nào. Chúng tôi cho biết chúng tôi sẽ tạo điều kiện, đưa các bên lại với nhau, chúng tôi chỉ là người trung gian, sẽ giúp họ bằng mọi cách. Chủ trường của chúng tôi là: 'Đó là vấn đề của quý vị, quý vị phải tự giải quyết. Chúng tôi không muốn thúc ép quý vị làm bất cứ điều gì.' Và thứ nhì, chúng tôi lập quy định về các đoàn, không bao giờ quá 3 người mỗi bên, bởi vì sự tin cậy phụ thuộc vào các mối quan hệ cá nhân và xây dựng các mối quan hệ cá nhân. Và sau cùng, chúng tôi nhấn mạnh họ phải sống trong cùng một nhà. Họ cần phải sinh hoạt ăn uống chung: cả bữa ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Khi nghỉ giải lao, họ có thể đi dạo với nhau, v.v… Họ phải SỐNG với nhau".
Nhà xã hội học thử nghiệm một lý thuyết. Nhưng kịch tác gia J.T. Rogers nói câu chuyện đằng sau vở kịch OSLO chắc chắn không phải là một bài luận học thuật khô khan.
Ông nói: "Rõ ràng đây là câu chuyện gay cấn hồi hộp, bởi vì chiếc đồng hồ cứ tiếp tục điểm giờ, là bạn của một kịch tác gia".
Các diễn viên đóng vai cặp vợ chồng Na Uy, Jennifer Ehle và Jefferson Mays, nói sự hồi hộp đó là cảm giác của mọi người vào mỗi tối.
Ông Jefferson Mays và cô Ehle nói vở kịch OSLO khiến các diễn viên đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Họ cho biết là họ có cảm giác như đây là một cuộc phục kích, các diễn viên không bao giờ biết chính xác những gì đang diễn ra hay sẽ diễn ra tiếp theo. Như trong cảnh sau đây khi nhân vật MONA nói với chồng:
"Terje này. Đây không phải là một điều chúng ta có thể chế ra và tuỳ cơ ứng biến. Nếu nỗ lực này thất bại, FAFO – Quỹ Na Uy đứng ra tổ chức đàm phán Oslo, cơ quan của em, và cả cuộc sống của chúng ta sẽ đi đong tất!".
Terje: "Không! Em phải tin anh hơn bao giờ hết. Anh biết cách làm việc này. Anh đã nhìn ra cách thực hiện mục tiêu đó".
Vở kịch OSLO dựa một phần trên các cuộc phỏng vấn rất chi tiết mà nhà viết kịch J.T. Rogers đã thực hiện với các nhân vật ngoài đời là Rød-Larsen và Juul.
Ông muốn khám phá điểm giao thoa giữa các vấn đề cá nhân và các vấn đề chính trị.
Nhà viết kịch ROGERS nói:
"Hy vọng của chúng tôi là thực hiện một vở kịch chính trị theo đúng nghĩa của nó trong tiếng Hy Lạp; một vở kịch về công chúng và những ý kiến lớn lao hơn về bản chất của chúng ta như những con người, và những quốc gia. Chúng ta tiến tới như thế nào và sống ra sao, với kẻ thù của chúng ta và với chính mình?"
Vở kịch OSLO gợi ra một câu trả lời, qua lời phát biểu của nhân vật ngoài đời Rod Larsen:
"Nếu bạn mang theo một hộp dụng cụ thích hợp và dùng các dụng cụ này theo đúng cách, thì ngày hôm nay cũng có khả năng giải quyết được một số vấn đề, bởi vì có những điểm tương đồng với tình hình tại Oslo và tình hình ngày nay, nghĩa là, mọi thứ bề ngoài có vẻ như không thể nào có thể thực hiện. Đôi khi những gì có vẻ bất khả lại dễ làm hơn là những gì mà chúng ta cho là khả thi. Nếu kiên trì, ta có thể làm những điều mà không ai tin là có thể làm được."
Giới phê bình và khán giả hình như đồng ý và hưởng ứng thông điệp đó; vé xem buổi diễn thử nghiệm tại Trung tâm Lincoln đã được bán sạch, và mới có thông báo cho biết vở kịch OSLO sẽ được diễn trên sân khấu Broadway vào mùa xuân tới.