Nhiều người sử dụng mạng xã hội đang bày tỏ sự bất bình trước việc Tòa án huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phạt bà Lê Thị Dung- cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (TT GDNN GDTX) của huyện này năm năm tù vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (1).
Công chúng xem bản án đó là bất nhân, thậm chí là “trò hề” vì theo tường thuật của báo chí: Bà Dung đã chủ trì xây dựng Quy chế Chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật. Có một số lần, bà Dung đã nhận thanh toán hai lần cho một nội dung. Ví dụ đã nhận phụ cấp cấp ủy nhưng vẫn được tính ba tiết/tuần cho chức danh Bí thư chi bộ, đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được thanh toán thêm hai tiết/tuần. Lúc đầu, Viện Kiểm sát xác định, bà Dung gây thiệt hại cho ngân sách... hơn 48 triệu đồng nhưng khi Tòa đưa bà Dung ra xét xử, Viện kiểm sát đã tính lại và xác định thiệt hại chỉ còn 45 triệu.
Đáng lưu ý là theo báo chí: Suốt quá trình các cơ quan tư pháp tiến hành tố tụng (điều tra – truy tố - xét xử), bà Dung cương quyết không nhận tội vì Quy chế Chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi. Trong quá trình thực hiện, việc thanh toán diễn ra công khai, đúng quy chế này, không có bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào xác định Quy chế Chi tiêu nội bộ ở TT GDNN GDTX là sai. Cho dù bà Dung có nhiều tình tiết giảm nhẹ (gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, nhưng vì BÀ DUNG KHÔNG NHẬN TỘI, KHÔNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ NÊN TÒA MỚI PHẠT MỨC ÁN NHƯ THẾ (2).
Sở dĩ nhiều người bất bình bởi theo nhiều đồng nghiệp và học trò cũ của bà Dung thì bà là một nhà giáo có tầm, hết lòng vì học sinh. Có cựu học sinh đang điều trị bệnh nan y cũng ráng đến tòa để xem cô giáo của mình bị xử thế nào. Hệ thống tư pháp không chứng minh được bà Dung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để thủ đắc lợi ích cho riêng bà. Quy chế Chi tiêu nội bộ áp dụng cho tất cả mọi người và bà Dung chỉ là một trong số đó. Công chúng chỉ trích phán quyết, xem bản án là “trò hề” còn vì “thiệt hại” quá nhỏ so với những khoản thiệt hại lên đến hàng chục tỉ nhưng đa số bị cáo “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chỉ bị phạt hai, ba năm tù...
Tuy nhiên chuyện không chỉ có thế...
***
Nếu dùng Google để tìm kiếm những thông tin có liên quan đến bà Dung ắt sẽ dễ dàng nhận ra bà Dung là nạn nhân cho niềm tin của chính bà vào “pháp chế XHCN”. Bà Dung bị khởi tố, bị truy tố và mới đây bị phạt năm năm tù vì bị “đồng nghiệp tố cáo”. “Đồng nghiệp tố cáo” bà Dung sau khi bà tố cáo Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An.
Năm 2012, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An ký “Quyết định tuyển dụng”, ép TT GDNN GDTX huyện Hưng Nguyên phải nhận thêm một giáo viên dạy Văn trong khi bốn bộ môn khác không có giáo viên. Bà Dung phản đối và từ phản đối của Giám đốc TT GDNN GDTX huyện Hưng Nguyên mới lòi ra chuyện Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An ký Quyết định tuyển dụng... “chui” (tuyển dụng dù không có chỉ tiêu, không thông qua Hội đồng xét tuyển, ép cơ sở phải tiếp nhận nhân sự dù không có nhu cầu và hàng loạt vi phạm các quy định hiện hành khác). Tuy nhiên chính quyền tỉnh Nghệ An chỉ yêu cầu ông Nhân “rút kinh nghiệm” và không thu hồi Quyết định tuyển dụng... “chui”.
Còn bà Dung được gì khi phản đối sai trái của thượng cấp? Bà bị “đồng nghiệp tố cáo”, bị chính quyền huyện Hưng Nguyên kỷ luật ở mức... “khiển trách” vì để bị... “tố cáo” dù chính quyền huyện Hưng Nguyên không xác định được những... “tố cáo” ấy là... đúng. Bà Dung khiếu nại.
Tháng 3/2020, chính quyền tỉnh Nghệ An yêu cầu chính quyền huyện Hưng Nguyên “kiểm điểm những cá nhân đã tham mưu việc ra quyết định kỷ luật bà Dung” nhưng không yêu cầu thu hồi, hủy bỏ quyết định kỷ luật bà Dung mà để UBND huyện Hưng Nguyên tùy nghi xem xét.
Bởi vẫn phải mang hình thức kỷ luật ở mức “khiển trách”, bà Dung tiếp tục khiếu nại. Tháng 9/2021, khi bị báo giới chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết “sẽ trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên tìm hướng giải quyết” (3). Sáu tháng sau (tháng 3/2022), bà Dung bị khởi tố (4), bị truy tố rồi bị phạt tù như vừa kể...
***
Hiến pháp Việt Nam xác định: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác (Điều 30). Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 31) [4].
Còn Bộ Luật Tố tụng hình sự xác định: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 13). Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội (Điều 15) [5].
Thế thì tại sao bà Dung chính quyền huyện Hưng Nguyên không rút lại Quyết định kỷ luật bà Dung dù thượng cấp đã yêu cầu phải “kiểm điểm những cá nhân đã tham mưu việc ra quyết định kỷ luật bà Dung”? Tại sao đại diện chính quyền tỉnh Nghệ An không yêu cầu chính quyền Hưng Nguyên sửa sai ngay lập tức mà ỡm ờ rằng... “sẽ trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên tìm hướng giải quyết” và im lặng khi bà Dung bị khởi tố, bị truy tố và giờ bị phạt tù? Chuyện đại diện Viện Kiểm sát chủ động sửa lại mức độ thiệt hại của ngân sách, giảm từ 48 triệu xuống còn 45 triệu cho thấy “công tác điều tra, truy tố” chưa chặt chẽ và quan trọng hơn, tại sao tòa án phạt bà Dung đến năm năm tù vì BÀ DUNG KHÔNG NHẬN TỘI, KHÔNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ? Tại sao Hiến pháp minh định như thế, Luật Tố tụng hình sự xác định như vừa trích dẫn mà các bị can, bị cáo vẫn phải “cúi đầu nhận tội” nếu muốn được khoan hồng? Tại sao hệ thống tư pháp vẫn lấy “thành khẩn” làm tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng?
Những cá nhân như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén,... đều đã từng “cúi đầu nhận tội”, thậm chí sau khi bị kết án tử hình, chung thân,... cũng không dám kêu oan vì không “thành khẩn” sẽ không được ân xá, không được giảm án. Việc kêu oan, nếu có là chuyện của thân nhân hay thân hữu của bị án. Hậu quả của việc buộc mọi công dân “cúi đầu nhận tội” trước hệ thống tư pháp như thế nào thì ai cũng thấy. Tại sao lại thế? Chỉ có một cách giải thích, “pháp chế XHCN” tạo ra các hệ thống (chính trị, công quyền, tư pháp) xem thường dân là “con” chứ không phải người. Luật pháp dành cho “con” chỉ có mục tiêu là “răn đe” sao cho sợ hãi ngấm sâu đến xương tủy và “giáo dục” sao cho tuân phục trở thành nguyên tắc để tồn tại trong xã hội XHCN.
Chú thích
(5) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
(6) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx
Diễn đàn