Nhà chức trách Hà Nội vừa ra thông báo cho biết cuộc điều tra với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” đối với nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đã kết thúc và đã chuyển hồ sơ vụ án qua Viện kiểm sát thành phố để chính thức truy tố, xét xử.
Một thông cáo của Công an Thành phố Hà Nội mà VOA nhìn thấy được cho biết vụ án Phạm Thị Đoan Trang “tuyên truyền chống Nhà nước” quy định theo Điều 88 Bộ Luật hình sự 1999 đã kết thúc giai đoạn điều tra vào ngày 26/8/2021.
Từ Melbourne, Australia, bà Hoa Nguyễn, một nhà họat động nhân quyền và cũng là một người bạn của nhà báo Phạm Đoan Trang, nói với VOA:
“Hiện tại chị Trang đã bị tạm giam 11 tháng. Hôm 26/8, luật sư có nhận thông báo kết thúc điều tra.
“Cho đến 30/8, anh trai của chị Trang có đến trại tạm giam để gửi đồ tiếp tế nhưng họ cũng không thông báo cho gia đình biết.
“Luật sư có hướng dẫn cho gia đình xin vào thăm nhưng khi đến Viện kiểm sát thì được biết họ đã đóng cửa từ hôm 15/7 vì do dịch bệnh nên họ không cho công dân đi vào trong. Gia đình đã gửi đơn đi vào thăm vì quá trình điều tra đã kết thúc rồi, nhưng gia đình và luật sư vẫn chưa tiếp xúc được với chị Trang.”
Luật sư Lê Luân, người bào chữa cho bà Đoan Trang, hôm 1/9 thông báo trên trang Facebook cá nhân rằng vụ án của nhà báo Phạm Đoan Trang vừa kết thúc giai đoạn điều tra, và theo thông báo, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát theo thủ tục để truy tố.
Luật sư Lê Luân viết: “Tội danh bà Trang bị cáo buộc là Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015 và tương ứng với Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999, với hành vi Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN.”
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang, 43 tuổi, một blogger, tác giả đối lập nổi bật trong nước, bị công an bắt tạm giam hôm 6/10/2020 tại quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, để điều tra về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” (Điều 88/BLHS-1999) và tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” (Điều 117/BLHS-2015) với mức án có thể lên tới 20 năm tù.
Giới hoạt động nhận định rằng án tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang có khả năng sẽ rất nặng.
Bà Hoa Nguyễn, đồng thời là một họa sĩ bất đồng chính kiến, nhà nghiên cứu luật và đại diện di trú ở Australia, nêu nhận định rằng chính quyền Việt Nam sẽ tuyên án nặng đối với nhà báo Phạm Đoan Trang.
“Tất cả bạn bè và luật sư đều nhìn vụ án này một cách thực tế: Chị Trang bị áp Điều 88/2009 và Điều 117/2015. Họ tính thời gian chị Trang hoạt động trước năm 2015 nên bạn bè và luật sư đều nhận định rằng chị Trang sẽ bị án nặng. Tôi và luật sư có làm việc với nhau và cùng dự đoán rằng chắc chị Trang sẽ bị kết án khoảng 16 năm tù.
“Mọi người đều không có ảo tưởng gì về nhà cầm quyền độc tài...không có ảo tưởng rằng họ sẽ kết án thấp, hay lắng nghe tất cả những tranh luận phản biện cũng như những lời bào chữa của luật sư, vì ai cũng biết rằng đây sẽ là một bản án bỏ túi đối với Phạm Đoan Trang, mà tất cả mọi người đều không lạc quan với khả năng thay đổi bản án bỏ túi.”
Một nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam ở Philippines, yêu cầu không nêu tên vì lý do an toàn, đồng thời cũng là bạn của nhà báo Phạm Đoan Trang, cho VOA biết rằng trường hợp của bà Trang đang được một luật sư nhân quyền quốc tế kiến nghị với Nhóm làm việc về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc (UNWGAD), và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 9 này.
Ngay sau vụ bắt giữ bà Trang vào tháng 10/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra tuyên bố bày tỏ quan ngại và cho biết rằng phía Hoa Kỳ đang theo dõi chặt chẽ vụ bắt bớ này.
“Việc bắt giữ bà có thể ảnh hưởng đến quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam. Chúng tôi hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động và luật pháp của họ phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.
Trang Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an Việt Nam loan tin rằng bà Phạm Thị Đoan Trang có “mối liên hệ mật thiết” với các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “VOICE”.
CAND tố cáo bà Trang: “Từ việc hình thành Mạng lưới blogger, cho đến việc tham gia đoàn vận động nhân quyền do Việt Tân vẽ ra nhằm phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc, nhằm vận động chính giới phương Tây gây áp lực để Việt Nam thay đổi chính sách nhân quyền...”