Chính quyền Việt Nam vừa xử phạt hành chánh ít nhất sáu người dân vì các bình luận trên Facebook liên quan vụ bạo loạn ở Đăk Lăk mà cơ quan chức năng cho là những thông tin “bịa đặt” giữa lúc Bộ Công an được cho là siết chặt việc đưa tin về vụ việc này khiến giới quan sát quan ngại về quyền tự do phát biểu.
Truyền thông trong nước dẫn lời cơ quan chức năng cho biết ba người ở Hà Tĩnh và một người ở Khánh Hòa bị phạt mỗi người 7,5 triệu đồng, cho rằng họ đưa tin “sai sự thật, xuyên tạc” về vụ 2 trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk bị tấn công hôm 11/6.
Một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Cao Trọng đăng tải thông tin có nội dung “Nóng nhất lúc này là tại Cư Kuin, Đắk Lắk Y như Pakistan Việt Nam yên bình không có xả g.u.n”, đề cập đến nhóm nghi phạm tấn công bằng súng vào trụ sở cơ quan công quyền hai xã ở Đắk Lắk, theo trang Tuổi trẻ Online.
“Dồn đường cùng ăn cướp thì trả mạng”, người này sau đó được cho là dùng một tài khoản có tên khác, khi bình luận về vụ việc, mà chính quyền cho là có “nội dung vô căn cứ, không đúng sự thật”.
Tương tự, chính quyền ở Quảng Nam hôm 13/6 phạt một người 5,5 triệu đồng và chính quyền ở Bình Dương hôm 15/6 phạt một người khác 7,5 triệu về các bình luận và thông tin được cho là do có hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” liên quan đến vụ tấn công ở Đắk Lắk.
Những người này đều được cho là “đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình”.
Từ khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở tỉnh Đắk Lắk khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 2 quan chức và 4 công an địa phương, nhà chức trách Việt Nam đã bắt giữ 46 người, đồng thời dường như kiểm soát chặt chẽ thông tin trên báo chí cũng như phần lớn dư luận về vụ việc.
Giới quan sát cho rằng báo chí Việt Nam đa phần loan tin theo hướng dẫn của chính quyền, mà trực tiếp là Bộ Công an, trong vụ việc này.
Các trang báo trong nước dẫn lời phát ngôn viên Bộ Công an nói rằng họ “khuyến cáo các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đúng sự thật” ngay khi sự việc xảy ra hôm 11/6.
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng ở Thái Lan nêu nhận định với VOA hôm 15/6 rằng sau “những cảnh báo răn đe về việc đưa tin” của Bộ Công an nay họ phạt những người bình luận cho thấy “thực tế kiểm soát quyền phát biểu cá nhân của người dân” trong khi vẫn chưa tuyên bố nguyên nhân cuộc nổi dậy.
Ông Tráng nói:
“Bộ Công an gần như độc quyền cung cấp các thông tin liên quan đến sự việc. Họ kiểm soát thông tin một cách chặt chẽ và họ đã có những cảnh báo mang tính răn đe.
“Sự răn đe này dù không thẳng thừng nhưng nó tạo ra lằn ranh về kiểm soát tự do truyền thông.
“Đối với truyền thông mạng xã hội, việc Bộ Công an tiến hành xử phạt những người dân lên tiếng và bình luận…cho thấy một thực tế kiểm soát quyền phát biểu cá nhân của người dân…Và cách xử phạt như vậy là vô lý”.
Trong một phỏng vấn trước đó với VOA, bà Phạm Thanh Nghiên, một blogger, cựu tù nhân lương tâm hiện sống lưu vong ở Mỹ, nói rằng người dân sẽ chẳng bao giờ được biết sự thật đằng sau vụ việc kinh hoàng ở Đắk Lắk ngoài những gì được truyền thông nhà nước loan ra. Bà nhận định rằng hệ thống công quyền ở Việt Nam từ tòa án, luật pháp, đến chính quyền, đều “sử dụng truyền thông như là một phương tiện bạo lực để định hướng dư luận”.
Ông Chu Vĩnh Hải, một cựu nhà báo lâu nay thường lên tiếng phản biện xã hội, chia sẻ với VOA rằng nhà nước Việt Nam cần phối hợp với một tổ chức độc lập để điều tra về vụ nổ súng ở Đắk Lắk vì nếu chỉ có cơ quan nhà nước điều tra sẽ không khách quan.
Diễn đàn