Đường dẫn truy cập

WHO e việc Mỹ cắt tài trợ sẽ đẩy lùi những tiến bộ y tế của Châu Phi


Tông thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres (trái) và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) trong cuộc họp báo về COVID-19 tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 24/2/2020.
Tông thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres (trái) và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) trong cuộc họp báo về COVID-19 tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 24/2/2020.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO lo ngại việc Mỹ cắt tài trợ sẽ ngăn cản những nỗ lực của tổ chức kiểm soát việc lây lan của virus corona tại Châu Phi. Bên cạnh virus corona, WHO cũng quan ngại là những bệnh có thể ngừa được bẳng vaccine cũng sẽ lan rộng vì các nước buộc phải hủy bỏ những chương trình chủng ngừa.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump trong tuần trước ngưng tài trợ cho WHO có thể cản trở khả năng của lục địa đen không những ngăn chặn virus corona nhưng cũng gây trở ngại cho việc chặn đứng những chứng bệnh khác như sốt rét và HIV/AIDS tại Châu Phi, một giới chức cao cấp của WHO nói với đài VOA.

Mỹ là nhà tài trợ chính cho các chương trình của WHO liên quan tới bại liệt, sốt rét, và HIV/AIDS ở Châu Phi.

Mỹ từng cam kết 400 triệu đô la cho ngân sách 4,8 tỉ đô la của WHO trong tài khóa 2020-2021.

Trong khi những hứa hẹn này hầu hết bị chặn đứng trong năm nay, các giới chức WHO dự trù việc Mỹ ngưng tài trợ bắt đầu có ảnh hưởng vào năm 2021.

Ông Michel Yao, quản trị chương trình hành động khẩn cấp tại Văn phòng Khu vực Châu Phi của WHO nói với VOA:

“Sự hỗ trợ này nhằm giúp đỡ kỹ thuật hay cung cấp một chức vụ kỹ thuật trong một nước. Một số hỗ trợ này, chẳng hạn đối với chương trình sốt rét, cần có sự hỗ trợ tiếp tục tại những văn phòng WHO trong nước. Do đó tất cả các chức vụ kỹ thuật và những công việc đòi hỏi cần có chuyên gia làm việc theo một hướng dẫn rõ ràng đối với một chứng bệnh nào đó, thì cũng phải có tài trợ để giúp, và đôi khi còn cần có trang cụ cho vấn đề HIV. Do đó tất cả những việc này, lẽ dĩ nhiên, sẽ bị tổn hại nếu không có tiền,” ông Yao nói.

“Đối với những nỗ lực phòng ngừa COVID-19, một số những chuyên viên kỹ thuật này đã được tái phối trí. Lẽ dĩ nhiên, nhiều người được gia hạn hợp đồng nhưng có thể từ năm tới, nếu chúng tôi không đủ tiền thì lúc đó chúng tôi phải cắt bớt nhân viên. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến những chuyện khác vì một số những người này sẽ được tái phối trí. Nếu việc thiếu tiền vẫn tiếp tục thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nhân lực sang năm của chúng tôi,” ông Yao nói.

Ông Yao bác bỏ những than phiền cho rằng WHO chậm trễ trong việc đáp ứng với virus corona bùng phát hay quá “thân Trung Quốc.” Ông nói toán các chuyên gia quốc tế đã được phái đến Vũ Hán khi dịch bệnh xảy ra lúc đầu, vào ngày 1/1 năm nay để báo cáo về mức độ và nguy hiểm của vụ bùng phát.

WHO, cộng tác với các cơ quan khác của Liên hiệp quốc, đã bắt đầu đưa nhân viên, trang bị bảo hộ đến Châu Phi, sử dụng Adis Ababa như trung tâm chuyển hàng. Máy bay của Chương trình Lương thực Thế giới tuần trước đã bắt đầu đưa nhân viên y tế khẩn cấp đến toàn vùng.

Tuy nhiên thiếu hoàn toàn những trang bị y tế căn bản và kỹ thuật như máy thở và giường bệnh làm cho nhiều nhà hoạch định kế hoạch trong vùng lúng túng.

Ông John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Châu Phi nói với các phóng viên trong tuần qua là ít nhất có 10 nước tại Châu Phi không có máy thở.

Một quan ngại chính nữa đối với nhà cầm quyền y tế tại Châu Phi là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với những bệnh khác. Theo WHO, Guinea, Ethiopia, Nam Sudan và Chad đã hoãn chương trình chích ngừa rộng rãi trong dân chúng về bệnh sởi dự trù vào giữa tháng 3 và tháng 6.

WHO lo ngại là những bệnh có thể ngừa được bằng vaccine như bệnh sởi, bệnh sởi Đức, bệnh bại liệt và bệnh bạch hầu sẽ xảy ra thường xuyên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG