Đường dẫn truy cập

Wikipedia phản đối việc Nga đòi xóa thông tin về chiến tranh Ukraine


Trang Wikipedia trên máy vi tính xách tay.
Trang Wikipedia trên máy vi tính xách tay.

Sáng hội Wikimedia, sở hữu Wikipedia, đệ đơn kháng cáo quyết định của tòa án Moscow buộc họ xóa thông tin liên quan đến cuộc xâm lược của Nga tại Urkaine, với lý do rằng mọi người có quyền biết các dữ kiện thực tế của cuộc chiến.

Một tòa án ở Moscow phạt Sáng hội Wikimedia 5 triệu rúp (88.000 đô) vì không chịu xóa thông tin mà tòa án cho là sai lệch ra khỏi các bài đăng trên Wikipedia tiếng Nga về cuộc chiến, trong đó có bài “Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine”, “Tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine” và “Thảm sát ở Bucha.”

Ông Stephen LaPorte, phó Tổng cố vấn tại Sáng hội Wikimedia, nói: “Quyết định này cho thấy các kiến thức đã được kiểm chứng đầy đủ, có nguồn đáng tin trên Wikipedia mà không nhất quán với thông tin từ chính phủ Nga thì bị xem là thông tin sai lệch”.

Wikipedia nói họ cung cấp “bản thảo thứ hai của lịch sử”, là một trong số ít các nguồn thông tin tiếng Nga đã được kiểm chứng cho người Nga sau một cuộc đàn áp truyền thông ở Moscow.

“Chính phủ đang nhắm đến những thông tin quan trọng đối với cuộc sống của người dân trong thời kỳ khủng hoảng”, ông LaPorte nói. “Chúng tôi kêu gọi tòa án xem xét lại để ủng hộ quyền tiếp cận tri thức và tự do ngôn luận của mọi người.”

Tòa án Moscow lập luận rằng những gì tòa gọi là thông tin sai lệch trên Wikipedia gây rủi ro cho trật tự công cộng ở Nga và rằng Sáng hội Wikimedia, có trụ sở tại San Francisco bang California, đang hoạt động bên trong nước Nga.

Sáng hội đã bị truy tố theo luật Nga về việc không xóa thông tin bị cấm. Vụ việc do cơ quan quản lý truyền thông Roskomnadzor của Nga đưa ra, cơ quan này đã không trả lời yêu cầu bình luận trên Wikipedia.

Kháng cáo của Wikipedia, được đệ trình vào ngày 6 tháng 6 và được công bố ngày 13/6, lập luận rằng việc xóa thông tin là vi phạm nhân quyền. Sáng hội nói Nga không có quyền tài phán đối với Sáng hội Wikimedia, tổ chức có hơn 300 ngôn ngữ trên toàn cầu.

Các mục trên Wikipedia được viết và chỉnh sửa bởi các tình nguyện viên.

Các câu chuyện về cuộc chiến ở Ukraine, cuộc xâm lược trên bộ lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai, rất khác nhau - và đã bị chính trị hóa cao độ, các nhà báo ở cả Moscow và phương Tây thường xuyên bị cáo buộc đưa tin sai về cuộc chiến.

Ukraine nói họ là nạn nhân của một cuộc chiếm đất vô cớ kiểu đế quốc và họ sẽ chiến đấu đến cùng để giành lại lãnh thổ mà các lực lượng Nga đã chiếm đóng. Kyiv đã nhiều lần yêu cầu phương Tây giúp đỡ nhiều hơn để chống lại Nga.

Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức Nga không sử dụng các từ “chiến tranh” hay “xâm lược”. Họ coi đây là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm ngăn chặn cuộc đàn áp những người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine.

Ông Putin cũng nói rằng cuộc xung đột là một bước ngoặt trong lịch sử Nga: một cuộc nổi dậy của Moscow chống lại Hoa Kỳ, mà ông Putin tố cáo là đã làm bẽ mặt Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và thúc đẩy mở rộng liên minh quân sự NATO.

Ukraine và các nước ủng hộ phương Tây phủ nhận tuyên bố của Moscow rằng những người nói tiếng Nga bị đàn áp. Kyiv nói rằng các lực lượng Nga đã phạm tội ác chiến tranh, bao gồm giết người, tra tấn và hãm hiếp ở những nơi như Bucha.

Nga nói bằng chứng cáo giác tội ác chiến tranh là những thông tin sai lạc được dàn dựng cẩn thận và rằng Ukraine và những nước ủng hộ phương Tây đã phát tán thông tin sai lệch về lực lượng Nga.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG