Đường dẫn truy cập

5.500 xe chở nông sản Việt Nam bị ùn ứ tại các cửa khẩu do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát


Nơi tập kết xe nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Nơi tập kết xe nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.

Có khoảng 5.500 xe container chở hàng nông sản hiện đang bị mắc kẹt tại các cửa khẩu tiếp giáp với biên giới Trung Quốc khi nước này thắt chặt các biện pháp phòng chống Covid-19, truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 14/12.

Thông tin trên được ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ với báo chí tại Diễn đàn kết nối nông sản vào sáng 11/12.

Theo quan chức của Việt Nam, tính đến ngày 10/12, có khoảng 4.000 xe nông sản Việt Nam bị “mắc kẹt” ở các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Hữu Nghị, chưa thể thông quan, khiến các bãi tập kết xe đầy kín. Ngoài ra, có khoảng 1.500 xe khác cũng đang bị kẹt tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, theo VnExpress.

Theo giải thích của ông Hoà, số lượng thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma hiện bị giảm hơn một nửa so với trước đây, với khoảng 220 xe/ngày so với trước là 450 xe/ngày, khiến tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình chỉ có 500 xe/ngày. Những xe chở hoa quả như thanh long, mít đến cửa khẩu ở Tân Thanh phải mất từ 10-14 ngày mới được thông quan, khiến chất lượng hoa quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tình trạng ùn ứ xe nông sản tại cửa khẩu là do phía Trung Quốc ngừng thông quan trong ba ngày để xem xét diễn biến của đại dịch và thắt chặt kiểm soát, khử trùng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuần trước, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt như phải cách ly 6 – 7 tuần đối với thủy thủ đoàn trên tàu biển vào các cảng nên những nhà khai thác tàu trung chuyển tại các cảng ở miền Nam nước này đã quyết định tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến cho khoảng 1 triệu tấn nông sản của Việt Nam rơi vào nguy cơ khó tiêu thụ, làm gia tăng khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG