Ý triệu tập đại sứ của Pháp hôm thứ Tư và giận dữ bác bỏ chỉ trích của Pháp về các chính sách nhập cư của họ. Diễn biến này leo thang một tranh cãi ngoại giao vốn đang nới rộng một trong những chia rẽ chính trị lớn của Châu Âu.
Một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói Rome đã hành động với "thái độ vị kỉ và vô trách nhiệm" bằng việc đóng các cảng của mình không cho một tàu di dân tiến vào, bộ trưởng kinh tế của Ý hủy một cuộc họp tại Paris với người đồng cấp, và Thủ tướng Giuseppe Conte cân nhắc hoãn cuộc hội kiến với ông Macron hôm thứ Sáu.
"Chúng tôi không cần gì phải học về tinh thần rộng lượng, tình nguyện, chào đón, và đoàn kết từ bất cứ ai," Bộ trưởng Nội vụ Ý chủ trương cực hữu Matteo Salvini nói với Thượng viện nước này.
Ông Salvini, người cũng là phó thủ tướng và kiêm lãnh đạo đảng Liên đoàn chủ trương chống người nhập cư, kêu gọi Pháp xin lỗi và nói rằng ông không sẵn lòng chấp nhận lời chỉ trích từ một quốc gia thường xuyên chặn di dân ở biên giới chung của hai nước.
Pháp cho biết họ chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ Ý về một lời xin lỗi, và tin rằng cuộc gặp gỡ được lên kế hoạch giữa ông Macron và ông Conte sẽ vẫn xúc tiến.
Đi thăm miền tây nước Pháp, ông Macron ban đầu không trả lời câu hỏi về vấn đề này, nhưng sau đó nói với các phóng viên: "Chúng ta không bao giờ nên để mình bị chi phối bởi cảm xúc, thứ mà một số người thao túng."
Ông Macron gợi ý rằng Rome đang cố gắng đi ngược lại đường lối của các chính phủ trước đây trong việc từ chối tiếp nhận con tàu này thay vì giải quyết những vấn đề căn cơ là phát triển và an ninh ở quê nhà của những di dân và các đường dây đưa lậu người.
Vụ tranh cãi xoay quanh tàu từ thiện Aquarius, bị cả Ý lẫn Malta từ chối cho thả neo tại cảng của họ. Nó chở theo 629 di dân và hiện đang hướng đến Tây Ban Nha, nơi nó được cho neo đậu an toàn, và được hộ tống bởi hai tàu của Ý.
SOS Mediterranée và Médecins sans Frontières (MSF), hợp tác với Aquarius, đều là những tổ chức từ thiện nổi tiếng của Pháp.
Pháp không đơn độc trong chỉ trích của mình.
Người đứng đầu cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi, một người Ý, nói với Reuters rằng việc hai nước Châu Âu từ chối tiếp nhận di dân dễ bị tổn thương là điều “đáng hổ thẹn.”
Việc Châu Âu nên chia sẻ ra sao trách nhiệm tiếp nhận những di dân tìm cách vào khối này từ những vùng chiến tranh và các nước nghèo, phần lớn khắp Châu Phi và Trung Đông, vẫn còn là một vấn đề nan giải.
Nhiều nước đã không đáp ứng được cam kết của họ, được đưa ra trong năm 2015, là nhận một số người xin bảo hộ tị nạn từ Ý và Hy Lạp - cảng đầu tiên mà hầu hết di dân tới trên đường bờ biển dài ven Địa Trung Hải - và chia sẻ chi phí chăm sóc họ.
Đảng Liên đoàn của ông Salvini giành được kết quả tốt nhất của họ trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 3, một phần nhờ cam kết trục xuất hàng trăm ngàn di dân và ngăn chặn dòng người mới đổ đến, và đã lập liên minh với Phong trào 5 Sao chống giới chính thống đương quyền.
Hơn 1,8 triệu di dân đã vào Châu Âu từ năm 2014, và Ý hiện đang cho tá túc hơn 170.000 người xin bảo hộ tị nạn, cũng như khoảng 500.000 di dân chưa đăng ký.