Giám đốc Điều hành Facebook Mark Zuckerberg hôm thứ Tư đôi co với các nhà lập pháp về việc người sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này kiểm soát được bao nhiêu phần đối với dữ liệu của họ, trong một phiên điều trần kéo dài năm tiếng đồng hồ và đôi lúc căng thẳng.
Anh Zuckerberg bảo đảm với các thành viên của Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Hoa Kỳ rằng người dùng nắm quyền kiểm soát lớn nhất đối với thông tin trên Facebook của họ, nhưng lại làm suy yếu phát biểu này khi nói rằng anh là một trong số 87 triệu người dùng có dữ liệu bị công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica chia sẻ một cách không thỏa đáng.
Việc anh thừa nhận rằng thậm chí người sáng lập đại công ty công nghệ này cũng không thể bảo vệ được thông tin của chính mình càng nêu bật vấn đề mà Facebook đang đối mặt trong việc thuyết phục các nhà lập pháp hoài nghi rằng người dùng có thể dễ dàng bảo vệ thông tin của họ, và rằng áp đặt thêm quy định để quản lý Facebook là không cần thiết.
"Mỗi lần ai đó chọn chia sẻ cái gì đó trên Facebook là đều có một chức năng kiểm soát. Ngay tại đó. Nó không được giấu ở đâu đó trong phần điều chỉnh mà ở ngay đó," tỉ phú Internet 33 tuổi này nói trong phiên điều trần.
Nhưng khi được hỏi liệu dữ liệu của anh có bị chia sẻ một cách không thỏa đáng với Cambridge Analytica hay không, anh trả lời: "Có." Anh không đưa ra thêm chi tiết.
Vấn đề Cambridge Analytica là lý do anh Zuckerberg có mặt trong Điện Capitol để trả lời chất vấn lần thứ hai trong hai ngày qua về cách thức mà công ty này - từng làm việc với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump - thu thập dữ liệu về hàng triệu người dùng Facebook.
"Làm sao mà người dùng có thể kiểm soát được dữ liệu của mình trong khi Facebook không kiểm soát được dữ liệu?" Dân biểu Frank Pallone của bang New Jersey, thành viên cao cấp của phe Dân chủ thuộc Ủy ban Năng lượng và Thương mại, đặt câu hỏi vào đầu buổi điều trần.
Dân biểu Dân chủ Debbie Dingell nói Facebook đã sử dụng mã máy tính chèn trong các website để thu thập thông tin về hầu như mọi người trên mạng, cho dù họ thích hay không.
"Bất kể bạn có tài khoản Facebook hay không. Thông qua những công cụ này, Facebook có thể thu thập thông tin từ tất cả chúng ta," bà nói, đề cập đến nút "Like" của Facebook xuất hiện trên nhiều website. Anh Zuckerberg đã không thể trả lời bà Dingell khi bà hỏi có bao nhiêu website có các nút như vậy.
Bà Dingell đã tỏ ra bực bội khi anh Zuckerberg thường xuyên hứa rằng anh sẽ hồi đáp câu hỏi của các nhà lập pháp sau đó bằng văn bản. "Có một số điều đáng chú ý trong cuộc trò chuyện này," bà nói. "Là CEO, anh không nắm được một số thông tin quan trọng."
Các vấn đề về quyền riêng tư và kiểm soát dữ liệu thống trị phiên điều trần này, với các câu hỏi tập trung hơn và không khí căng thẳng hơn phiên điều trần của Thượng viện một ngày trước.
Trong một loạt những câu hỏi về việc làm thế nào để loại bỏ dữ liệu khỏi Facebook, anh Zuckerberg nói rằng Facebook có "thu thập dữ liệu về những người không đăng ký sử dụng Facebook vì mục đích an ninh." Anh không có câu trả lời khi được hỏi làm thế nào một người không phải là thành viên của Facebook có thể xóa thông tin mà không phải đăng ký sử dụng dịch vụ này trước.
Về vấn đề Cambridge Analytica, anh Zuckerberg nói sẽ mất "nhiều tháng" để hoàn thành việc kiểm tra các ứng dụng khác mà cũng có thể đã thu thập hoặc chia sẻ dữ liệu một cách không thỏa đáng.
Cũng như hôm thứ Ba, anh Zuckerberg không đưa ra thêm lời hứa nào hỗ trợ luật mới hoặc thay đổi cách thức mà mạng xã hội này kinh doanh.
Cổ phiếu của Facebook tăng 1,2 phần trăm vào thứ Tư sau khi sụt giảm trước đó trong ngày. Facebook đạt mức tăng hàng ngày lớn nhất trong gần hai năm vào ngày thứ Ba khi anh Zuckerberg cố gắng ngăn bất kỳ cuộc thảo luận cụ thể nào về các quy định mới mà có thể cản trở khả năng của Facebook trong việc bán những quảng cáo được thiết kế phù hợp với thông tin về người dùng.
"Chắc chắn sẽ có một số quy định" đối với các công ty Internet, anh Zuckerburg nói hôm thứ Tư, nhưng một lần nữa tránh nêu bất kỳ chi tiết cụ thể nào.