Đường dẫn truy cập

Đàm phán Mỹ-Triều: Thắc mắc nhiều hơn giải đáp


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un quan sát cuộc thử nghiệm hai phi đạn đạn đạo tầm ngắn (ảnh do hãng tin KCNA của Triều Tiên công bố ngày 26/7/2019)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un quan sát cuộc thử nghiệm hai phi đạn đạn đạo tầm ngắn (ảnh do hãng tin KCNA của Triều Tiên công bố ngày 26/7/2019)

Giới chức Triều Tiên và Hoa Kỳ theo lịch sẽ tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân cấp làm việc lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm nay.

Chưa rõ thương thuyết sẽ diễn ra ở đâu, hay những đề nghị nào sẽ được thảo luận.

Tuy nhiên có một số câu hỏi quan trọng sau nhiều tháng trì trệ đàm phán.

Mỹ có sẵn lòng với tiến trình từng bước một?

Hòa đàm tan vỡ vào tháng 2 năm nay khi Tổng thống Donald Trump bác bỏ đề nghị của Triều Tiên tháo dỡ một khu phức hợp hạt nhân chính để đổi lấy nới lỏng chế tài.

Thay vào đó, ông Trump nói ông muốn “có thỏa thuận lớn hơn” theo đó nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phải từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân trước khi nhận được bất cứ nhượng bộ quan trọng nào.

Nhiều giới chức Hoa Kỳ nói Triều Tiên trong quá khứ đã lợi dụng cách thức từng giai đoạn một- trong khuôn khổ của chu kỳ khiêu khích, xuống thang, và thương thuyết-để đạt được những nhượng bộ có giá trị của Mỹ mà không hoàn tất mục đích của thỏa thuận.

Nhưng không rõ làm cách nào để tăng tiến quá trình phi hạt nhân hóa phức tạp và kéo dài nếu không thông qua các bước giai đoạn, ông Leif-Eric Esley, phó giáo sư Nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại trường đại học Ewha Womans tại Seoul, nói .

Mục đích chính của Mỹ, ông Leif-Eric Esley nói, là có thể có được một thỏa thuận bao gồm “một lộ đồ thương thuyết và một cơ chế kiểm chứng tiến bộ từng giai đoạn một.”

Chẳng hạn như một thỏa thuận “trao đổi việc nới lỏng chế tài với việc ngưng sản xuất chất liệu hạt nhân chỉ có ý nghĩa nếu Triều Tiên cho phép các thanh sát viên quốc tế tại chỗ và bao gồm những điều khoản chế tài trở lại nếu Triều Tiên bị bắt quả tang gian dối,” ông nói.

Tuy nhiên các giới chức Mỹ không đưa ra các chỉ dấu công khai, rõ ràng là họ quan tâm đến thỏa thuận từng giai đoạn như vậy.

Triều Tiên muốn gì?

Triều Tiên liên tiếp nói là nước này sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu không có những nhượng bộ đáng kể của Hoa Kỳ.

Trước đây trong năm, trọng tâm của Triều Tiên là thương thuyết để gỡ bỏ 5 chế tài của Liên hiệp quốc làm thiệt hại nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên trong những tháng gần đây, các giới chức Triều Tiên gợi ý là được đảm bảo an ninh cũng là ưu tiên hàng đầu. Chẳng hạn như Triều Tiên có thể yêu cầu chấm dứt tập trận giữa Hoa Kỳ và Hàn quốc hay điều chỉnh về tư thế của quân đội Mỹ trong vùng.

Bà Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích tại Seoul của chương trình NK News, nói các nhà thương thuyết Triều Tiên chắc chắn sẽ “nỗ lực tìm xem họ được nhượng bộ từ Hoa Kỳ nhiều như thế nào mà không phải từ bỏ tất cả.”

“Tôi cảm thấy là những cuộc thảo luận sẽ không đi rất xa nếu Triều Tiên cảm thấy không có thay đổi chính yếu trong lập trường của Hoa Kỳ,” bà Lee nói.

Tuy nhiên các giới chức Hoa Kỳ rất ít nói về những gì họ chuẩn bị đề nghị, hay ở điểm nào trong tiến trình phi hạt nhân hóa họ muốn thi hành những nhượng bộ.

Hai bên có mềm dẻo hơn trong quan điểm thương thuyết chưa?

Không rõ rệt, dù Tổng thống Trump đã ra chỉ dấu cho thấy ông muốn tìm những điểm chung.

Tháng trước, ông Trump cách chức Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Bolton, một kẻ thù lâu năm của Triều Tiên. Bênh vực cho hành động này, ông Trump đặc biệt viện dẫn khuynh hướng diều hâu của ông Bolton đối với Bình Nhưỡng.

Trong một diễn văn nói về sự cần thiết phải có “phương pháp mới” về thương thuyết, ông Trump đã làm mọi người khó chịu. Phương pháp này gần như phản ánh ngôn từ Bình Nhưỡng sử dụng khi kêu gọi Hoa Kỳ có lập trường hòa giải hơn. Tuy nhiên không ai biết “phương pháp mới” của ông Trump là gì.

Triều Tiên có khả năng gia nhập lại các cuộc thảo luận với nhiều đòn bẩy hơn sau khi thử nghiệm 11 vòng phóng phi đạn đạn đạo tầm ngắn kể từ tháng 5 năm nay. Các cuộc phóng thử nghiệm này liên hệ đến một vài hệ thống vũ khí mới có thể đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh trong vùng.

Triều Tiên có tiếp tục thử nghiệm phi đạn trong khi thương thuyết hay không?

Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẽ ngưng thử nghiệm phi đạn. Ngày 2/10, Triều Tiên dường như thử nghiệm phi đạn đạn đạo tầm trung được thiết kế để phóng từ tàu ngầm-chứng tỏ có một thành tố mới và không tiên đoán được trong kho vũ khí của Bình Nhưỡng.

Ông Trump gọi những vụ phóng trước là “tầm ngắn” vì ông cho rằng nhiều nước cũng thử nghiệm như vậy. Triều Tiên có thể lợi dụng việc ông Trump không quan tâm gì đến những thử nghiệm của họ và xem đây là cơ hội làm yếu các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm các hoạt động phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Chính trị nội bộ Mỹ ảnh hưởng đến các cuộc thương thuyết như thế nào?

Ông Trump phải đối mặt với những áp lực ngày càng tăng trong nước- từ cuộc điều tra luận tội mới được mở ra cho tới cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Một số nhà phân tích nói ông Trump có thể cảm thấy áp lực để thỏa thuận với Triều Tiên hầu làm chệch hướng sự chú ý về những rắc rối trong nước Mỹ hay để có được một thắng lợi trong chính sách ngoại giao trước cuộc bầu cử 2020.

Hiện cũng có câu hỏi là có còn thời gian để đạt được hay thi hành một thỏa thuận hạt nhân hay không, vì ông Trump sẽ sớm bỏ nhiều thời gian hơn trong chiến dịch tái cử của ông.

Hàn quốc đóng vai trò gì?

Chính phủ cấp tiến của Hàn quốc muốn cải thiện các mối quan hệ với Triều Tiên. Tuy nhiên những chế tài của Hoa Kỳ và quốc tế đã ngăn Hàn Quốc tiến tới với những dự án kinh tế và các dự án khác nhằm cải thiện mối quan hệ Bắc-Nam.

Trong khi đó Triều Tiên đổ lỗi cho Hàn Quốc về những bế tắc, giận giữ chỉ trích việc tái tục các cuộc tập trận chung Hoa Kỳ-Hàn Quốc và việc Seoul mua vũ khí tiên tiến của Washington.

Hàn Quốc hoan nghênh tin Hoa Kỳ và Triều Tiên sẽ tái tục các cuộc đàm phán ở cấp làm việc, nói rằng những cuộc thảo luận này là bằng chứng cho thấy các cuộc thương thuyết đang tiến triển.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc tuần qua đưa ra hy vọng là ông Kim sẽ đi thăm thành phố biển Busan của Hàn Quốc vào tháng 12 trong dịp hội nghị các quốc gia Đông Nam Á.

Đây sẽ là chuyến viếng thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới miền Nam, vượt qua vùng phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. Triều Tiên chưa xác định hay bình luận về tin này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG