Xem hát tuồng đầu Xuân
Your browser doesn’t support HTML5
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa.
Khi cánh gà sân khấu tuồng mở ra, một vở diễn mang hơi thở cuộc sống, mùa xuân và cả niềm hoài cổ được trình diễn, cũng là lúc một vở diễn khác của nghệ thuật tuồng thời quá vãng đang âm ỉ phía sau cánh gà, phía sau lớp son phấn và vai diễn của người nghệ sĩ. Và dường như niềm vui mỗi khi trống chầu giục, người cầm trịch ném tiền, ném thẻ thưởng lên sân khấu chưa bao giờ bù đắp nổi sự quạnh quẽ, trống vắng của người nghệ sĩ tuồng tâm huyết với nghề. Nói về nghệ thuật tuồng và nghệ sĩ tuồng, có lẽ phải nhắc đến đời sống khốn khó và đất diễn đang ngày càng eo hẹp. Dường như chỉ có mùa Xuân, dịp Tết về là các nghệ sĩ tuồng mới có đất dụng võ.
Nghệ sĩ, Nguyễn Thị Trang, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu chia sẻ với VOA: “Cái nghề của cha ông mình để lại, nói chung là toàn bộ anh em diễn viên theo nghề của cha mẹ. Ngày xưa mình đi hát thường xuyên, một năm mình hát quanh năm suốt tháng nhưng giờ nghệ thuật tuồng ngày càng mai một, tính ra một năm mình đi hát được có 12 – 13 đêm.”
Ông Lê Tự Duy, khán giả tuồng, chia sẻ với VOA: “Cái nghệ thuật tuồng hát này có từ hồi xưa, tôi yêu thích cái hát tuồng ni cũng 30 năm rồi. Năm nào ở địa phương ni cũng tổ chức hát tuồng ni theo truyền thống hết.”
Để tồn tại, nghệ sĩ tuồng phải đi làm thuê bất kì việc gì trong năm và đợi mùa xuân về lại phiêu linh cùng tuồng tích, quãng hơi, điệu bộ, âm thanh, ánh sáng... Một vở diễn, bao gồm cả sân khấu, ánh sáng, âm thanh, phục trang và chi phí bồi dưỡng cho 20 người, gồm nghệ sĩ và người phụ việc, đoàn tuồng được trả 11 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản phí thuê xe vận chuyển sân khấu, tiền điện, tiền nước... mỗi người được chia cao nhất là 300 ngàn đồng cho một đêm diễn. Cả một mùa Tết, nghệ sĩ tuồng kiếm được may mắn lắm là 5 triệu đồng. Và đây cũng là khoản thu của cả năm.
Nghệ sĩ, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu Nguyễn Thị Trang, chia sẻ với VOA: “Hát đây giống như là nhớ cái nghề mà hát, để giữ cái nghề của cha mẹ. Chứa còn cuộc sống của anh em hiện tại thì anh em mỗi người một nghề, người thì đi xe thồ, người đi phụ hồ, người đi hát tổng đám ma, người đi buôn đi bán, người uốn tóc, người đi giữ em… chứ đủ sống thì không đủ sống.”
Ông Lê Tự Duy, khán giả tuồng, chia sẻ với VOA: “Nghệ sĩ hát tuồng giờ bấp bênh vì dân chúng giờ theo nhiều phong trào mới như ca nhạc… nên cuộc sống của nghệ sĩ tuồng giờ khó khăn. Nhưng tôi nghĩ đây là văn hóa truyền thống của Việt Nam nên phải cố gắng gìn giữ về sau.”
Nghệ sĩ, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu Nguyễn Thị Trang, chia sẻ với VOA: “Mong muốn của người nghệ sĩ là đứng trên sân khấu để diễn, nhưng giờ đất diễn của mình không có. Ao ước của mình là dịp Tết đến Xuân về, như tháng Hai, tháng Ba, đoàn được thường xuyên đi diễn, để anh chị em gặp nhau để giữ lửa tuồng, chứ mình có đam mê mà không có đất diễn cũng chịu.”
Để không bị mai mọt và hấp dẫn khán giả, các nghệ sĩ tuồng luôn tìm cách đổi mới, cải biên kịch bản, biến thể điệu bộ, cách ngắt hơi cho gần với nhịp sống thời đại. Nhưng hầu như lực bất tòng tâm bởi các đoàn tuồng không có bất kì nguồn kinh phí hay sự hỗ trợ nào ngoài việc tự thân vận động.
Nghệ sĩ, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu Nguyễn Thị Trang, chia sẻ với VOA: “Nói chung để cho phù hợp với thời đại, kịch bản hiện đại chút thì mình không có tại vì mình không có kinh phí lấy gì mà mời đạo diễn về dàn dựng. Cho nên mình hát đi hát lại những kịch bản của cha ông ngày xưa hát nhưng trên sân khấu mình cải biên bớt lời và điệu…”
Tết về, trong vi vút gió xuân, đâu đó tiếng trống chầu giục tuồng, tiếng đàn cò, tiếng trống con, tiếng hát trắc ẩn và tiếng cười kiêu bạt từ một vở tuồng cổ khơi gợi lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm phương Bắc từ sân khấu ở một ngã ba thôn. Một cảm giác Tết xưa hiện về với đầy đủ âm vị của nó!