Campuchia: ASEAN không mời ngoại trưởng Myanmar dự hội nghị

Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin đón Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở Naypyitaw, Myanmar, 7/1/2022.

Campuchia cho biết hôm thứ Năm 3/2 rằng một đại diện phi chính trị của Myanmar được mời tham dự hội nghị cấp bộ trưởng của khu vực vào cuối tháng này, trong khi ngoại trưởng của chính quyền quân sự không được mời.

Campuchia hiện là chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Khối này đã gây bất ngờ hồi cuối năm ngoái khi cấm chính quyền Myanmar tham gia các hội nghị quan trọng do không tuân thủ kế hoạch hòa bình đã thỏa thuận với khối.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tìm đưa chính quyền Myanmar tham gia trở lại, và ông cho biết ông muốn mời các nhà lãnh đạo Myanmar lại dự các cuộc họp của khối có 10 thành viên.

Nhưng các nước thành viên ASEAN đã không đạt được đồng thuận về việc mời Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin trong bối cảnh kế hoạch hòa bình thiếu tiến triển, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Chum Sounry cho biết.

Chum Sounry nói với Reuters: “Trong thời gian này, chúng tôi khuyến khích Myanmar có đại diện tham dự cuộc họp ở cấp độ phi chính trị thay vì để trống ghế”.

Campuchia sẽ tổ chức cuộc họp của các bộ trưởng vào ngày 16 và 17/2.

Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử cách đây một năm, với khoảng 1.500 dân thường thiệt mạng trong cuộc đàn áp của quân đội nhằm vào các đối thủ, theo số liệu do văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc nêu ra.

Quân đội ở nông thôn cũng đang giao chiến trên nhiều mặt trận với các nhóm ủng hộ dân chủ đã chuyển sang đấu tranh vũ trang, ngoài ra còn có các lực lượng dân tộc thiểu số.

Campuchia cho biết trong một tuyên bố hôm 2/2 rằng họ "quan ngại sâu sắc" về các báo cáo cho biết nạn bạo lực tiếp diễn và tình hình nhân đạo xấu đi ở Myanmar.

"Các quốc gia thành viên ASEAN nhấn mạnh đến sự cấp bách của việc phải chấm dứt ngay bạo lực và tất cả các bên phải kiềm chế tối đa", vẫn theo tuyên bố.

Nhưng vẫn còn có sự chia rẽ về vấn đề này và ông Hun Sen đã gặp nhà lãnh đạo quân sự Min Aung Hlaing ở Myanmar vào ngày 7/1, một chuyến đi khiến một số nước láng giềng trong khu vực lo ngại rằng nó có thể bị hiểu nhầm rằng chính quyền Myanmar được công nhận.

Ông Hun Sen trong thời gian gần đây chịu áp lực phải buộc ông Min Aung tuân theo thỏa thuận hòa bình ASEAN, và một số nước thành viên yêu cầu rằng nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, người đang bị xét xử, phải được trả tự do và được phép tham gia vào tiến trình hòa bình.

(Reuters)