Hôm 3/2, lần đầu tiên chính quyền và truyền thông Việt Nam loan tin về vụ sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh, người bị chém khi làm sứ vụ tại Kon Tum, và cho biết đã ra quyết định bắt giam nghi phạm.
Việt Nam loan tin này sau hơn 5 ngày xảy ra vụ việc, làm dấy lên nghi vấn đề động cơ sát hại vị linh mục dòng Đa Minh tại giáo xứ có giáo dân phần lớn là người Thượng, một sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên, nơi được cho là phải đối mặt với sự bách hại nghiêm trọng vì niềm tin của họ.
Trang Công an tỉnh Kon Tum cho biết vào ngày 31/01, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam nghi phạm tên Nguyễn Văn Kiên về tội “Giết người”.
Vụ việc xảy ra tại một điểm sinh hoạt các nghi thức tôn giáo tại tư gia của một giáo dân tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi vào tối ngày 29/01. Hiện cơ quan chức năng đang “điều tra làm rõ động cơ, mục đích giết người và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” theo trang Công an tỉnh Kon Tum.
Các nguồn tin khác nhau cho VOA biết rằng địa điểm xảy ra vụ sát hại là nhà nguyện, có gian thờ, và là nơi sinh hoạt cho linh mục, một số người gọi đây là nhà thờ.
Sau khi dùng dao sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh, đối tượng Nguyễn Văn Kiên tiếp tục chạy đến dùng dao chém một người khác nhưng người này kịp dùng ghế gỗ để đỡ và chạy thoát, trang VietnamPlus dẫn thông tin từ cơ quan chức năng cho biết.
XEM THÊM:
Một linh mục bị đâm chết trong nhà thờ, công chúng nghi vấn động cơ giết hạiTừ Kon Tum, Linh mục Nguyễn Văn Đông chia sẻ với VOA về cái chết của Linh mục Trần Ngọc Thanh:
“Chúng tôi rất buồn, rất đau khổ. Nơi đó rất xa. Các dòng tới làm việc trong địa phận này là tình nguyện. Nhưng cũng chính nhờ các linh mục dòng mà công việc mới có thể tốt đẹp được cho đồng bào Thượng. Đồng bào Thượng rất nghèo. Các linh mục như Cha Thanh rất lo cho người Thượng nghèo. Cha Thanh là người rất hiền lành, trẻ, năng nổ, rất thương người Thượng.
“Nghe nói rằng công an đang điều tra. Trong giáo hội công giáo đã có nhiều vụ chết oan ức. Cha Thanh mới tới chỗ đó có một vài tháng. Ngài không có gây thù oán với bất kỳ ai. Ngài không có thù oán ai mà bị giết chết như vậy, chúng tôi chỉ trông chờ tiếng nói của lẽ phải, chân lý”.
Nhận định về việc loan tin bắt giữ nghi phạm của chính quyền, luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội chia sẻ:
“Chính quyền ra thông báo như vậy là quá chậm trễ. Bởi vì đây là một sự việc quan trọng, gây bàng hoàng và thắc mắc rất lớn của cộng đồng giáo hữu trong và ngoài nước. Nhà nước lại ra thông báo việc này quá chậm.
“Tôi nghĩ rằng họ chỉ ra thông cáo khi họ làm chủ tính chất của vụ việc hoặc đã đạt được một sự định hướng nào đó từ cấp cao hơn.”
Tổ chức BPSOS tại Hoa Kỳ hôm 1 tháng 2 đã nêu vụ sát hại Linh mục Trần Ngọc Thanh tại một cuộc họp của Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế, mà theo đó Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của tổ chức này, cho biết trong một thông cáo rằng “việc chính quyền Việt Nam dung dưỡng sự phỉ báng và phát biểu hận thù nhắm vào các lãnh đạo tôn giáo không tùng phục chính quyền có thể dẫn đến bạo lực”.
“Vài tháng trước đó, Linh mục Thanh dựng một tượng thánh Joseph trong khuôn viên nhà thờ. Bức tượng liền bị chính quyền tịch thu và cẩu đi”, tổ chức BPSOS cho biết.
Cũng theo BPSOS, giáo xứ nơi vị linh mục này phục vụ có giáo dân phần lớn là người Thượng, một sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên. Trong nhiều thập niên, các người Tây Nguyên theo Đạo Tin lành đã phải đối mặt với sự bách hại nghiêm trọng vì niềm tin của họ. Hiện nay khoảng 80 mục sư, nhà truyền đạo và tín đồ Thiên Chúa giáo người Tây Nguyên đang bị án tù.