Quốc gia nơi bùng phát virus corona hai năm trước vừa khởi động Thế vận hội Mùa đông trong tình trạng phong toả vào ngày 4/2, tự hào sẽ phô trương sức mạnh trên sân khấu toàn cầu ngay cả khi một số chính phủ phương Tây lên tiếng tẩy chay ngoại giao vì cách Trung Quốc đối xử với hàng triệu người dân của mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố khai mạc Thế vận hội trong buổi lễ khai mạc được trang trí đậm màu xanh của băng đá và hình ảnh mùa đông tại Sân vận động Quốc gia được bao quanh bằng lưới giống như nơi từng tổ chức lễ khai mạc tại Thế vận hội 2008.
Bắc Kinh là thành phố đầu tiên tổ chức cả Thế vận hội mùa đông và mùa hè.
Giữa lúc một số nhà lãnh đạo xa lánh kỳ Thế vận hội lần thứ hai trong đại dịch trong sáu tháng, nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác đã đến tham dự lễ khai mạc. Đáng chú ý nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã gặp riêng ông Tập trước đó trong ngày giữa bối cảnh khu vực biên giới Nga – Ukraine đang rơi vào tình trạng bế tắc nguy hiểm.
Thế vận hội và lễ khai mạc luôn là cơ hội phô diễn cho quốc gia đăng cai, cơ hội để giới thiệu văn hóa, khẳng định vị trí của mình trên thế giới và phô trương những mặt tốt nhất của mình. Đây cũng là những điều mà Trung Quốc nói riêng đã tìm kiếm trong nhiều thập niên qua, theo AP.
Đối với Bắc Kinh, các kỳ Thế vận hội là một sự khẳng định vị thế của nó với tư cách là một cường quốc và một bên có nhiều ảnh hưởng trên thế giới. Nhưng đối với nhiều người bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở phương Tây, chúng đã trở thành sự xác nhận cho tình trạng độc tài toàn trị tại đây.
Lễ khai mạc hôm 4/2 được tổ chức tại sân vận động “Tổ chim”, nơi đã tổ chức Thế vận hội 2008. Hồi đó, nghệ sĩ bất đồng chính kiến người Trung Quốc Ngải Vị Vị đã được tham khảo ý kiến về việc xây dựng nó. Giờ đây, ông là một trong những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Trung Quốc và đang sống lưu vong.
Chính quyền Trung Quốc đang trấn áp các hoạt động ủng hộ dân chủ, thắt chặt quyền kiểm soát đối với Hong Kong, ngày càng trở nên đối đầu với Đài Loan và bắt giữ những người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở vùng viễn tây - một cuộc đàn áp mà chính phủ Mỹ và những nước khác gọi là diệt chủng.
Đại dịch cũng đè nặng lên Thế vận hội năm nay, giống như mùa hè năm ngoái ở Tokyo. Hơn hai năm sau khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, gần 6 triệu người đã chết và hàng trăm triệu người khác trên khắp thế giới bị nhiễm bệnh.
Bản thân quốc gia đăng cai tuyên bố những con số về tỷ lệ tử vong và nhiễm bệnh thấp nhất, một phần do chính phủ áp đặt các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt nhằm nhanh chóng dập tắt mọi đợt bùng phát.
Các biện pháp nay cũng được áp dụng với bất kỳ ai đến thi đấu hoặc tham dự Thế vận hội mùa đông.
Trước thềm Thế vận hội, việc Trung Quốc trấn áp những người bất đồng chính kiến cũng được thể hiện trong cuộc tranh cãi xung quanh ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Suý. Nữ vận động viên này đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng vào năm ngoái sau khi cáo buộc một cựu quan chức Đảng Cộng sản tấn công tình dục cô. Lời cáo buộc của cô đã nhanh chóng bị xóa khỏi internet và cuộc thảo luận về nó hiện vẫn bị kiểm duyệt gắt gao.
Ba thập kỷ sau khi quân đội Trung Quốc dập tắt các cuộc biểu tình dân chủ lớn ở Quảng trường Thiên An Môn, giết chết hàng trăm, thậm chí có lẽ hàng nghìn người Trung Quốc, chính phủ gần đây đã nhốt khoảng 1 triệu người thiểu số, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở vùng Tân Cương, trong các trại giam tập thể. Các nhóm nhân quyền gọi đây là hành vi “diệt chủng”.
Nhưng Trung Quốc nói đây là các trại “huấn nghiệp” nằm trong chiến dịch chống khủng bố và hiện các trại này đã đóng cửa. Bắc Kinh phủ nhận mọi hành vi vi phạm nhân quyền.
Điều này đã khiến các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Anh, Úc và Canada và các nước khác áp đặt một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với các Thế vận hội lần này, tránh xuất hiện cùng với lãnh đạo Trung Quốc trong khi vẫn cho phép các vận động viên của họ tham gia thi đấu.