Ngày 2/3, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, rằng Việt Nam “bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”. Giới hoạt động nhân quyền chỉ trích bài phát biểu của nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam.
“Việt Nam luôn phấn đấu mang lại cho người dân nước mình cũng chính là những giá trị LHQ cam kết mang lại cho nhân loại. Việc lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển chính là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam”, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
“Việt Nam quan tâm đến việc bảo đảm quyền con người một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới; bảo đảm quyền con người trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông nói thêm.
Nhân dịp này, nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam tái khẳng định mong muốn Việt Nam ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025 với thông điệp: “Tôn trọng lẫn nhau - Đối thoại và hợp tác - Bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Giới hoạt động nhân quyền lên tiếng chỉ trích bài phát biểu của ông Bùi Thanh Sơn, cho rằng tình hình vi phạm nhân quyền của nước này “rất nghiêm trọng”, hoàn toàn khác với những “mỹ từ” của giới lãnh đạo.
Từ Illinois, Hoa Kỳ, ông Vũ Quốc Ngữ, thuộc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, nêu nhận định với VOA: “Chính phủ Việt Nam luôn rêu rao là bảo đảm quyền con người nhưng trong thực tế thì hạn chế nhiều quyền cơ bản của công dân, đặc biệt các quyền như tự do ngôn luận, lập hội, tôn giáo và niềm tin”.
“Mỗi năm bỏ tù hàng chục người chỉ vì họ thực hành hoặc cổ suý các quyền trên”, ông Ngữ cho biết thêm.
“Khi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vi phạm nhân quyền, nhà cầm quyền độc tài toàn trị ở Việt Nam thường biện hộ rằng hoàn cảnh Việt Nam khác,” ông Ngữ viết cho VOA.
Theo dữ liệu của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, tính đến 31/12/2021, chính quyền Việt Nam giam giữ ít nhất là 251 tù nhân lương tâm, nhiều người trong số này như nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, Lê Hữu Minh Tuấn, nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh... được cơ quan nhân quyền của LHQ xác nhận là bị chính quyền Việt Nam “bắt bớ tùy tiện”.
Vào đầu năm 2022, một bản phúc trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị “đàn áp một cách có hệ thống”.
HRW cho rằng chính quyền Việt Nam đã siết chặt các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. Theo tổ chức này, bất kỳ một tổ chức, hội nhóm nào bị chính quyền coi là có nguy cơ đối với sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản, kể cả những công đoàn độc lập, đã bị cấm thành lập và cấm hoạt động.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam luôn cho rằng nước này “đảm bảo” các quyền con người của người dân, và rằng Việt Nam không có tù nhân lương tâm, chỉ giam giữ những người “vi phạm pháp luật”.