Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới công bố ấn bản “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” trong tháng Ba năm nay.
Tổ chức tài chính này nói rằng “dữ liệu hiện có cho thấy các hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, với sản xuất công nghiệp tăng 8,5% (so với cùng kỳ năm trước) và tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,1% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù ảnh hưởng của xu hướng số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây đến cung lao động, sản xuất và tiêu dùng có thể chưa được phản ánh đầy đủ”.
Bản “Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam” công bố hôm 10/3 còn nói thêm rằng “dù giá năng lượng tăng nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và nhu cầu trong nước còn yếu”.
World Bank nhận định rằng dù kinh tế Việt Nam “cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi”, hiện “rủi ro tiêu cực đã tăng cao” do các ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao và xung đột Nga - Ukraine “gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát”.
“Do tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc - những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - có thể bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng nên khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới và đổi mới sáng tạo sang những sản phẩm mới thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do hiện có để tăng cường khả năng chống chịu của xuất khẩu”, Ngân hàng Thế giới viết.
Theo báo điện tử của chính phủ Việt Nam, quốc hội Việt Nam cuối năm ngoái đã biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo đó “yêu cầu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước khoảng 6 - 6,5%; kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.