Phản hồi về sự kiện Mỹ trao giải thưởng “Phụ nữ can đảm quốc tế” (IWOC) cho nhà báo Phạm Đoan Trang, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói hành động của Hoa Kỳ là thiếu khách quan và không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước.
“Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải thưởng cho Phạm Thị Đoan Trang, một cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam, đã bị đưa ra xét xử và đang thi hành án phạt tù là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, nói trong cuộc họp báo vào chiều 17/3.
Trước đó, vào ngày 14/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã chủ trì lễ trao giải thưởng “Phụ nữ Can đảm Quốc tế” cho nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang ở Việt Nam và 11 phụ nữ khác trên toàn cầu. Giải thưởng nhằm biểu dương lòng dũng cảm, sức mạnh và khả năng lãnh đạo đặc biệt của họ trong việc vận động cho hòa bình, công lý, nhân quyền... bất chấp nguy hiểm tính mạng.
Trong đoạn video đăng trên website của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội vào ngày diễn ra lễ trao giải, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper mô tả bà Phạm Đoan Trang là người “không sợ hãi theo đuổi một xã hội toàn diện và không gian rộng rãi hơn cho tự do ngôn luận ở Việt Nam”.
“Chúng tôi hoan nghênh bạn, Phạm Đoan Trang, vì công việc của bạn như một nhà đấu tranh cho nhân quyền. Bản lĩnh của bạn tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người ở Việt Nam và trên toàn thế giới”, nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói, sau khi ông khẳng định “Hoa Kỳ coi trọng quan hệ đối tác toàn diện của chúng tôi với Việt Nam. Chúng tôi làm việc để giúp khuyến khích một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập”.
Nhà báo Phạm Đoan Trang hiện đang thụ án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước”, liên quan đến các bài viết của bà và bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa, thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 8/3 nói. Bà bị bắt vào ngày 6/10/2020 và bị kết án vào ngày 14/12 năm ngoái.
Phạm Đoan Trang là phụ nữ thứ ba ở Việt Nam được Hoa Kỳ trao giải thưởng Phụ nữ can đảm quốc tế. Trước đó, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) được trao giải thưởng này vào năm 2017, và Blogger Tạ Phong Tần được trao năm 2013. Cả ba đều bị chính quyền Việt Nam kết án nhiều năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999.
Trả lời tại cuộc họp báo ngày 17/3, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng lặp lại khẳng định nhiều lần rằng “Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền của phụ nữ”.
Bà Hằng nói những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc cải thiện nhân quyền trong thời gian qua “đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”.
Theo thống kê của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW), tính đến tháng 12/2021, đã có ít nhất 146 người bị Việt Nam bỏ tù vì thực thi các quyền cơ bản của mình, trong đó có các blogger và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, mẹ con bà Cấn Thị Thêu, Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội…
Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố vào năm ngoái cũng cho rằng Việt Nam có những “vấn đề lớn về quyền con người”, bao gồm: việc tước đoạt sinh mạng trái luật hoặc tùy tiện của chính quyền; tra tấn bởi các nhân viên chính phủ; bắt và giam giữ người tùy tiện của chính quyền; tù nhân chính trị; hoặc những vấn đề lớn về tính độc lập của tư pháp; can thiệp tùy tiện hoặc trái luật vào đời sống riêng tư; hạn chế nghiêm trọng tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do Internet, bao gồm bắt và truy tố tùy tiện những người chỉ trích chính quyền, kiểm duyệt, đóng các trang mạng, ra các luật về hành vi phỉ báng mang tính chất hình sự; can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình và tự do lập hội...