Latvia muốn NATO tăng quân trú đóng, không muốn ‘trả tiền cho người khác hưởng’

Artis Pabriks, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia (ảnh hồi tháng 3/2022).

Latvia hôm thứ Năm 16/6 lại đề nghị khối NATO triển khai thêm quân ở vùng Baltic, hai tuần trước khi các nhà lãnh đạo NATO quyết định về việc bố trí quân sự trong tương lai ở sườn phía đông của khối liên minh để đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks kêu gọi cần phải có các lực lượng lớn hơn ở các nước Baltic và nói rằng bất kỳ dấu hiệu nào về sự yếu nhược - dù là ở Ukraine hay trên lãnh thổ NATO - đều sẽ khích động Nga.

"Ukraine phải thắng, rất đơn giản là như vậy, và Nga phải thua, không có cách nào khác về vấn đề này", ông nói với các phóng viên khi đến tham gia ngày thứ hai của hội nghị tại trụ sở của NATO ở Brussels.

"Nếu khác đi, thì đơn giản là chúng ta lại mời mọc Nga gây chuyện trong những năm tới và chúng tôi không muốn điều này bởi vì các quốc gia Baltic đã trả tiền cho người khác hưởng và chúng tôi không còn sẵn sàng cho điều đó nữa", ông nói thêm.

Estonia và Lithuania ủng hộ lập trường của Latvia.

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, NATO đã điều động thêm quân đội, tàu chiến và máy bay phản lực đến mặt trận phía đông của liên minh, đặc biệt là vùng Baltic, và đặt khoảng 40.000 quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO.

Tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 28 đến 30/6 tới ở Madrid, các nhà lãnh đạo NATO sẽ thảo luận về phương án bài bản hơn để khối liên minh thích nghi trong dài hạn với hoàn cảnh mới mà khối này cho là tình hình an ninh sẽ xấu đi ở châu Âu do cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra.

Tuy nhiên, các nước đồng minh vẫn bị chia rẽ về số lượng binh lính và những nơi cụ thể để bố trí lực lượng tăng cường, bao gồm cả vũ khí bổ sung.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng sẽ không hợp lý nếu triển khai các đơn vị tác chiến chủ lực gần biên giới của Nga, khiến họ có nguy cơ bị tổn thất trong đợt tấn công đầu tiên, mà nên triển khai các đơn vị đó ở khu vực phía sau.

Các nước Baltic muốn khối liên minh tăng quân từ mức 5.000 binh sĩ ở giai đoạn trước khi có cuộc xâm lược Ukraine lên gấp 10 lần, cũng như bổ sung thêm hệ thống phòng không và chống hạm.

Đa phần trong số 30 nước đồng minh của NATO ở châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ về mặt nguyên tắc đối với lời kêu gọi phải có một lực lượng lớn hơn, nhưng cho rằng không đến mức như các nước vùng Baltic đòi, thay vào đó họ chọn phương án để một phần quân tăng viện ở trong nước nhưng sẵn sàng triển khai nhanh chóng.

(Reuters)