Philippines chấm dứt đàm phán về thăm dò năng lượng chung với Trung Quốc

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tại hội nghị của ASEAN ở Bangkok, tháng 7/2019 (ảnh tư liệu).

Bộ trưởng ngoại giao sắp mãn nhiệm của Philippines hôm thứ Năm 23/6 cho biết cuộc đàm phán về thăm dò năng lượng chung giữa nước ông và Trung Quốc ở Biển Đông đã bị chấm dứt, với lý do bị giới hạn bởi hiến pháp và vướng vào các vấn đề về chủ quyền.

Philippines và Trung Quốc đã đấu khẩu về chủ quyền biển trong nhiều thập kỷ và từ năm 2018 đã cam kết cùng nhau thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, bất chấp việc Trung Quốc cũng đòi có chủ quyền đối với vùng này.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đọc một bài phát biểu có đoạn: "Chúng tôi đã đi xa nhất có thể về mặt hiến pháp. Chúng tôi đã đến sát mép vực và chỉ tiến thêm một bước thôi là rơi vào khủng hoảng hiến pháp".

"Ba năm trôi qua và chúng tôi đã không đạt được mục tiêu phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí rất quan trọng đối với Philippines - nhưng không thể vì thế mà phải trả giá bằng chủ quyền; thậm chí 1 ly cũng không được", vẫn lời ngoại trưởng Philippines.

Không rõ quyết định về vấn đề nêu trên được đưa ra khi nào. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị họ bình luận.

Philippines, quốc gia chủ yếu dựa vào nhập khẩu nhiên liệu, đã gặp khó khăn khi cố tìm kiếm các đối tác nước ngoài giúp khai thác nguồn năng lượng ngoài khơi, do vướng vào các yêu sách đòi chủ quyền chồng lấn của Trung Quốc.

Thay vào đó, Philippines và Trung Quốc đã cam kết sẽ làm việc cùng nhau, một phần là do trong thời gian trước đây Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn có quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc. Giờ đây, ông Duterte đang sắp mãn nhiệm.

Nhiều chuyên gia từng hoài nghi về chuyện một thỏa thuận như vậy có thể thực hiện được do tính chất nhạy cảm về chính trị, và họ cảnh báo rằng bất kỳ thỏa thuận nào về chia sẻ tài nguyên năng lượng đều có thể được coi là động thái hợp pháp hóa yêu sách chủ quyền của phía bên kia hoặc từ bỏ chủ quyền lãnh thổ của phía mình.

Một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 nêu rõ Philippines có quyền chủ quyền nên họ được khai thác các nguồn năng lượng bên trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 dặm của họ, nhưng Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đối với khoảng 90% Biển Đông, không chịu công nhận quyết định đó.

Hai nước thành lập ủy ban đặc biệt để tìm cách có thể cùng thăm dò những khu vực đó mà không cần phải giải quyết vấn đề chủ quyền.

Nhưng ông Locsin nói không thể làm được điều đó nếu không vi phạm hiến pháp Philippines, hoặc chính phủ Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách của họ. Ngoại trưởng Locsin cho hay chính Tổng thống Duterte đã quyết định hủy bỏ các cuộc đàm phán.

"Tổng thống đã nói là hãy chấm dứt hoàn toàn các cuộc thảo luận về dầu khí. Mọi việc đều chấm dứt", ông Locsin nói.

(Reuters)