Vào lúc bình thường, chuyện nghệ sỹ Ukraine biểu diễn ở London chẳng có gì lạ, kể cả khi các nghệ sỹ đó là bạn lâu ngày tôi không gặp.
Nhưng đây đâu phải lúc bình thường. Ukraine đang bị Nga ngày đêm tấn công nhằm thôn tính lãnh thổ. Hai người bạn nghệ sỹ của tôi sống ở Đức đã lâu nhưng vẫn có gia đình ở Ukraine. Lúc cuộc chiến mới nổ ra tôi thấy cô Olena Tokar, giọng soprano, vô cùng lo lắng cho mẹ cô đang ở Ukraine. May mắn thay chỉ hơn một tuần sau khi cuộc chiến nổ ra cô đã tìm cách đưa được mẹ sang Đức. Rồi chị cô cũng sang được. Chị của Olena sống không xa thành phố Irpin, nơi gần 300 dân thường đã bị lính Nga sát hại khi họ toan tiến vào Kyiv hồi tháng Ba năm nay.
Tôi đi xem diễn để gặp bạn nhưng cũng là để thể hiện sự ủng hộ với Ukraine. Buổi biểu diễn vào trưa ngày 11/7 cũng đánh dấu lần đầu tiên trong bảy năm qua đôi vợ chồng Olena Tokar và Igor Gryshyn trở lại diễn ở khán phòng cổ kính Wigmore Hall, vốn được một công ty của Đức xây từ năm 1901.
Trong buổi diễn được truyền trực tiếp trên YouTube, Olena hát trong tiếng đàn dương cầm của Igor. Cô hát các ca khúc bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, phổ biến là tiếng Đức, nơi vợ chồng cô đang sống tại Leipzig, rồi tới tiếng Ukraine quê hương cô, tiếng Pháp và cả một bài bằng tiếng Nga.
Bốn bài hát kết thúc chương trình là của nhà soạn nhạc người Ukraine Viktor Stepanovich Kosenko (1896-1938) trong đó có bản “Họ đứng trong yên lặng và nàng đổ lệ”:
“Họ đứng trong yên lặng và nàng đổ lệ
Và gió khóc khẽ khàng trước cửa sổ tối om
và con phố dưới ánh đèn [vàng]
và cạnh đó đám người thầm thì chẳng tiếng vang
và mọi chuyện thêm buồn, vô cùng buồn thảm bên cửa sổ tối om
Họ đứng trong yên lặng và nàng đổ lệ.”
Bài hát làm tôi liên tưởng tới cuộc chiến tàn ác hiện tại khi cả thế giới đứng nhìn và Ukraine đổ lệ mỗi ngày. Có những người không chỉ đứng nhìn mà còn vô hình chung giúp cho kẻ tàn ác có cơ thêm tàn ác và thêm nhiều cô nàng Ukraine nhỏ lệ ngày đêm.
Buổi diễn của đôi vợ chồng Ukraine là buổi cuối cùng trong một loạt cuộc diễn do BBC tổ chức mùa hè này. Olena Tokar từng đoạt giải tài năng trẻ của BBC và đã nhiều lần được BBC mời biểu diễn. Sở dĩ tôi biết Olena và Igor là vì vợ tôi làm việc cho Dàn nhạc giao hưởng BBC nơi đã mời Olena và Igor tới diễn nhiều năm về trước. Khi đó tôi còn làm cho BBC Tiếng Việt và đã mời hai vợ chồng tới phòng thu của BBC ở trung tâm London để thu hai bài hát. Một trong hai bài đó, Widmung – Dâng hiến, của Robert Schumann (1810-1856), cũng chính là bản mở đầu buổi diễn ở London hôm 11/7 vừa qua. Bản còn lại là “Hoạ mi hót to hơn” của Nikolai Rimsky-Korsakov (1844-1908).
Lần tôi mời Olena và Igor tới trụ sở chính của BBC hồi tháng Hai năm 2014, cuộc Cách mạng Maidan vì dân chủ đang diễn ra ở Kyiv và chỉ hai tuần sau đó Nga đã đưa quân lấy Crimea.
Lần này hai người sang diễn giữa lúc cuộc chiến còn đang tiếp diễn và không ai có thể đoán được khi nào sẽ hết tiếng súng. Lần trước hai vợ chồng còn son rỗi, giờ họ đã có bốn con sau khi sinh cháu gái đầu tiên cách đây ba năm và sinh ba cô con gái cách đây gần một năm. Vợ tôi gửi tặng cho các cháu quần áo và cả một chai rượu để uống sau buổi diễn. Nhưng Olena và Igor vội ra sân bay cho kịp giờ nên rượu tôi đành cầm về. Quần áo hai vợ chồng nhận nhưng cũng sợ quá cân vì bay hàng không giá rẻ. Lúc rời nơi diễn để ra sân bay, hai vợ chồng chỉ còn khoảng một tiếng để tới nơi trước giờ máy bay đón khách lên. Rất may London mới có đường tàu điện ngầm Elizabeth Line nên chúng tôi chỉ mất một ga tàu ngầm là đã tới Paddington để đi tàu nhanh 15 phút tới Heathrow. Hú vía!
Chia tay hai bạn, tôi lại ngồi tàu trên đường Elizabeth Line vốn đưa tôi tới gần nhà, chỉ còn phải đi thêm bốn ga tàu nổi nữa trong ngày nóng tới 32 độ, khá hiếm ở London. Mong lần sau gặp lại sẽ không còn phải nói tới chuyện chiến tranh buồn thảm và Ukraine không còn chiếm những hàng tít lớn trên truyền thông quốc tế.