Trung Quốc và Hàn Quốc có bất đồng hôm thứ Năm 11/8 về một hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ. Sự việc này có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực của chính phủ mới ở Seoul nhằm khắc phục những khác biệt về an ninh lâu nay giữa họ với Bắc Kinh.
Bất đồng về hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được lắp đặt ở Hàn Quốc xuất hiện sau chuyến thăm đầu tiên suôn sẻ của ngoại trưởng Hàn Quốc tới Trung Quốc trong tuần này.
Trung Quốc cho rằng radar mạnh của THAAD có thể xâm nhập vào không phận của họ. Trung Quốc đã hạn chế thương mại và nhập khẩu văn hóa sau khi Seoul tuyên bố triển khai THAAD vào năm 2016. Động thái của Bắc Kinh giáng đòn mạnh vào quan hệ hai nước.
Một quan chức cấp cao trong văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói với các phóng viên hôm 11/8 rằng THAAD là một phương tiện tự vệ và không bao giờ cần phải đem ra đàm phán, sau khi Trung Quốc yêu cầu Hàn Quốc không triển khai thêm bất kỳ khẩu đội nào và hạn chế sử dụng các khẩu đội hiện có.
Tổng thống Yoon Suk-yeol hiểu rằng hệ thống này có vai trò chủ chốt trong việc chống lại tên lửa của Triều Tiên và ông đã tuyên bố không giữ lời hứa của chính phủ tiền nhiệm về không tăng cường triển khai THAAD, không tham gia vào lá chắn tên lửa toàn cầu do Mỹ dẫn đầu, và không lập liên minh quân sự 3 bên trong đó có Nhật Bản, gọi tắt là hứa hẹn 3 không.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị, gặp nhau hôm 9/8, họ tìm cách mở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên và nối lại xuất khẩu văn hóa, chẳng hạn như nhạc K-pop và phim, sang Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của ông Vương Nghị cho biết hôm 10/8 rằng hai bên đã "đồng ý coi trọng các mối quan tâm chính đáng của nhau và tiếp tục xử lý thận trọng và quản trị đúng mức vấn đề này để đảm bảo nó không trở thành trở ngại đối với sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ song phương".
Người phát ngôn Trung Quốc nói trong một cuộc họp báo rằng việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc "làm suy yếu lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc".
Tuy nhiên, ông Park nói với ông Vương rằng Seoul sẽ không tuân theo hứa hẹn 3 không hồi năm 2017, vì đây không phải là một cam kết hoặc thỏa thuận chính thức, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Trung Quốc cũng đòi Hàn Quốc tuân thủ một điều nữa là hạn chế việc sử dụng các khẩu đội THAAD hiện có. Hàn Quốc chưa bao giờ công nhận điều khoản đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup cho biết chính sách về THAAD sẽ không thay đổi chỉ vì bị Trung Quốc phản đối, và không có chuyện radar của hệ thống này có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc.
Ông nói với các phóng viên: “Khẩu đội hiện tại không được cơ cấu để đóng bất kỳ vai trò nào trong hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ mà nó được đặt ở một địa điểm chỉ có thể bảo vệ bán đảo Triều Tiên thôi”.
(Reuters)