Vật giá leo thang, dân gồng mình chịu trận

Một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội.

Người tiêu dùng trong nước oằn mình vì cơn ‘bão giá’ và lạm phát leo thang dù báo chí nhà nước gần đây liên tục trích dẫn Tổng cục Thống kê nói rằng tỉ lệ lạm phát tại Việt Nam ‘đang thuộc nhóm thấp nhất thế giới.’

Với thu nhập từ nghề làm báo, anh Dũng cho biết anh còn có thể đối phó bằng cách tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu, nhưng với người nghèo hay những người lao động bình dânthì vật giá phi mã ngay sau đại dịch thực sự là ‘một thảm hoạ’.

Chị Đỗ Thị Dung bán hàng nước và bánh mì tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết góc quán nhỏ của chị ngày càng ế khách, con cái chị thường xuyên ăn bánh mì ế trừ cơm. Giá cả các nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến chị rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nghỉ bán thì không biết bấu víu vào đâu, còn tiếp tục thì lời lãi chẳng được là bao, thậm chí có hôm còn lỗ vốn vì phần lớn khách quen cũng đang trong hoàn cảnh khó khăn nên chị không thể tăng giá.

“Một mớ rau ngải cứu be bé là 10 nghìn. Làm hàng thì mình phải mua hàng chục mớ mới đủ. Riêng tiền rau ngải cứu đã chết rồi. Trứng gà cũng lên nữa. Trước mình mua trứng gà công nghiệp có mười mấy nghìn một chục thôi, giờ thì lên đến 22 đến 24 nghìn một chục trứng rồi,” chị Dung than thở.

Chị cho biết không chỉ các mặt hàng tươi sống hàng ngày mà gần như toàn bộ các hàng hoá phục vụ việc kinh doanh và đời sống của gia đình đều tăng giá ‘khủng khiếp’, chẳng hạn như một chai dầu ăn 45.000 đồng thì nay lên tới 65.000 đồng.

“Các nhà máy người ta nói là nguyên vật liệu người ta nhập khẩu nó đắt lên, chi phí cước cung các thứ nó đắt lên thì người ta phải tính đắt lên thôi. Mà đắt lên như thế thì người tiêu dùng bị chịu trách nhiệm thôi chứ, bây giờ làm sao được,” chị Dung ngao ngán.

Cán bộ, công nhân viên chức nghỉ hưu cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng lạm phát cao mà theo báo chí nhà nước là trên 5,5% trong 6 tháng cuối năm nay.

Theo bà Thu, giờ cầm 500 nghìn đi chợ chẳng mua được gì mấy, khác hẳn với cách đây một năm khi bà có thể mua đủ thức ăn cho nhân khẩu 3 người trong một tuần chỉ với 500 nghìn. Bà cho biết lương hưu của bà chỉ vừa đủ để mua thức ăn hàng tháng, còn lại chi phí điều trị bệnh tật tuổi già và những chi phí khác đều cậy vào lương hưu của chồng và nhờ cô con gái độc thân giúp đỡ phần nào. Nếu chẳng may gặp cơn trọng bệnh thì đúng là ‘chỉ có nước chết’ chứ tiền đâu mà điều trị, bà nói thêm.