Theo một bản tin độc quyền của Reuters, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa bắt đầu các cuộc thảo luận kỹ thuật sơ bộ với hãng SpaceX của ông Elon Musk, có thể dẫn đến việc tạm thời sử dụng các tên lửa đẩy của hãng này, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine làm cho phương Tây không dùng tên lửa Soyuz của Nga nữa.
Vẫn bản tin độc quyền của Reuters cho hay hãng tư nhân của Mỹ, đối thủ cạnh tranh của hãng Arianespace ở châu Âu, hiện trở thành ứng cử viên quan trọng cho việc lấp chỗ trống tạm thời trong các hoạt động phóng hàng lên không gian, bên cạnh các ứng cử viên Nhật Bản và Ấn Độ. Nhưng các quyết định cuối cùng hiện phụ thuộc vào lịch hoạt động của tên lửa Ariane 6 của châu Âu. Việc sử dụng tên lửa này đã bị hoãn lại và lịch hoạt động của nó vẫn chưa có gì rõ ràng.
Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher nói với Reuters: "Tôi có thể nói rằng có hai lựa chọn rưỡi mà chúng tôi đang thảo luận. Một là SpaceX thì rõ rồi. Một lựa chọn nữa có thể là Nhật Bản".
"Nhật Bản đang chờ chuyến bay đầu tiên của tên lửa thế hệ tiếp theo của họ. Một lựa chọn khác có thể là Ấn Độ", ông nói thêm trong một cuộc phỏng vấn.
"Tôi có thể nói rằng SpaceX thực sự có hoạt động nhiều hơn cả trong số đó và chắc chắn đó là một trong những tên lửa đẩy dự phòng mà chúng tôi đang cân nhắc".
Aschbacher cho biết các cuộc đàm phán vẫn ở giai đoạn thăm dò và mọi giải pháp dự phòng sẽ chỉ là tạm thời.
"Chúng tôi tất nhiên cần đảm bảo rằng các tên lửa đó phải phù hợp. Nó không giống như chuyện nhảy lên xe buýt", ông nói. Ví dụ, giao diện giữa vệ tinh và tên lửa đẩy phải phù hợp, và phải bảo đảm là các thiết bị được phóng lên không bị ảnh hưởng bởi những sự rung lắc lạ thường trong quá trình phóng.
"Chúng tôi đang xem xét khả năng tương thích kỹ thuật này nhưng chúng tôi chưa đề nghị các bên đưa ra bản chào giá thương mại nào. Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng sẽ có một lựa chọn để đưa ra quyết định về việc đề nghị đưa ra một bản chào giá thương mại chắc chắn", Aschbacher nói.
Việc Nga xâm lược Ukraine dẫn đến hệ quả chính trị là tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX được hưởng lợi. Giờ đây tên lửa này có thêm nhiều khách hàng khác, là những bên đã cắt đứt quan hệ với ngành vũ trụ ngày càng bị cô lập của Moscow.
Công ty internet vệ tinh OneWeb, đối thủ cạnh tranh với hãng internet vệ tinh Starlink của SpaceX, đã đặt trước ít nhất một cuộc phóng Falcon 9 vào tháng 3. Hãng này cũng đã đặt trước một cuộc phóng do Ấn Độ thực hiện.
Hôm 8/8, hãng Northrop Grumman đã đặt hàng 3 cuộc phóng bằng Falcon 9 để vận chuyển hàng hóa của NASA đến Trạm Vũ trụ Quốc tế trong khi NASA thiết kế một phiên bản mới của tên lửa Antares. Trước đây, tên lửa này có động cơ do Nga sản xuất, nhưng Moscow đã thu hồi các động cơ đó để đáp trả các lệnh trừng phạt.
Cho đến nay, châu Âu vẫn phụ thuộc vào tên lửa Vega của Ý để phóng hàng hạng nhẹ, Soyuz của Nga cho hàng hạng trung và Ariane 5 cho hàng hạng nặng. Loại Vega C thế hệ tiếp theo của họ đã phóng lần đầu hồi tháng trước, còn loại Ariane 6 mới đã bị hoãn phóng cho đến năm sau.
(Reuters)