Sau gần 1 năm mở cửa đón hành khách từ ngày 06/11/2021 đến nay, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, theo nhiều người dân Hà Nội, vẫn chưa hút khách. Thống kê mới nhất của Hanoi Metro, sau 202 ngày vận hành, tính đến 26/5 năm nay, tuyến đường này chuyên chở hơn 3,1 triệu hành khách, trong ngày làm việc bình thường có từ 21.000-22.000 hành khách/ngày, và công ty lỗ 64 tỉ đồng trong năm ngoái.
Từ Hà Đông vào trung tâm thành phố Hà Nội hiện là một trong những tuyến đường bị ách tắc giao thông trầm trọng nhất, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Ước tính để đi từ Hà Đông vào tới khu vực Cát Linh bằng xe máy trong giờ cao điểm sẽ mất hơn 1 giờ đồng hồ, còn đi ô tô sẽ mất trên 1 giờ 30 phút. Trong khi đó, nếu đi tàu sẽ chỉ mất khoảng 30 phút. Vậy sao vẫn còn nhiều người chưa chọn giải pháp này?
Có người cho rằng vì chưa thật sự tiện lợi, như anh Nguyễn Tuấn Anh, một công chức sống tại làng Triều Khúc gần với điểm cuối của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Anh cho biết từng rất vui mừng khi dự án này mở cửa đón khách vào cuối năm 2021. Anh phải đi vào khu vực quận Hoàn Kiếm làm việc hàng ngày trong tình trạng giao thông vô cùng tồi tệ nhiều năm nay. Bến tàu chỉ cách nhà anh có 1,5 km nên ngay từ lúc khai trương anh đã tranh thủ đi thử. Nhưng anh nói ngay sau lần đi thử đó, anh đã từ bỏ ý định đi làm bằng tuyến đường sắt này.
Thứ nhất, tại bến gần nhà anh hoàn toàn không có chỗ gửi xe. Anh cũng từng thử đi bộ ra bến tàu, nhưng lên tàu mới giật mình nhớ ra là tới bến Cát Linh thì phải đi xe ôm, taxi, hay grab tới chỗ làm cách đó vài cây số nữa mà đồng lương công chức không cho phép anh tiêu xài thêm những khoản như thế. Hệ thống giao thông công cộng chưa được quy hoạch khép kín đang khiến cho những công chức như anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi xe máy cho tiện.
“Chỉ có một giải pháp là đi làm sớm. Giải pháp đi làm sớm là khả dĩ nhất. Nếu mà mình đi làm từ 6h30 sáng thì chỉ mất khoảng 35 đến 40 phút thôi vì lúc đó đường nó vẫn còn thoáng, cứ thẳng đường mà đi, rồi đến đấy ăn sáng và vào làm là đẹp. Chứ nếu ông ngủ thêm một chút thì cứ xác định là đi phải mất hơn 1 tiếng mới tới nơi được,” anh Tuấn Anh chia sẻ với VOA.
Tuy vậy, anh nói đây không thể là giải pháp lâu dài vì cứ đi sớm về muộn để tránh tắc đường như thế này thì thành ra anh mất quá nhiều thời gian cho công việc, đi từ khi trời mới sáng đến tận tối mịt mới về. Cho nên anh đang tính tới giải pháp tiết kiệm tiền mua một chiếc scooter loại tốt có thể đeo trên người lúc đi tàu, để vận chuyển từ nhà tới bến tàu và từ đầu tàu bên kia tới chỗ làm.
Khác với cảm nhận bất tiện của những người sinh sống dọc theo tuyến đường sắt này như anh Tuấn Anh, cũng có ý kiến cho rằng nhiều người chưa mặn mà với phương tiện này là do người dân thành phố chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng mà thôi.
“Hôm vừa rồi, tôi vừa đi thử từ Cát Linh vào Hà Đông thì thấy được phết đấy chứ. Nhưng nói chung văn hoá, thói quen Việt Nam mình nó vẫn bệ rạc. Đơn giản bây giờ nhiều ông đi làm có về ngay đâu, thường là tạt té đi chỗ này chỗ khác hay bia rượu gì đấy nên các ông ý vẫn thích đi xe máy cho chủ động hơn,” Anh Nguyễn Trường Thành, một cư dân sinh sống tại quận Long Biên cho biết.
Nhiều người khác thì tỏ vẻ không quan tâm tới tuyến đường sắt này bởi, theo họ, nó sẽ chẳng có lợi ích gì đáng kể khi mà chỉ có một tuyến duy nhất và hệ thống xe buýt đưa đón tới những điểm đến mà họ mong muốn chưa được hoàn thiện đồng bộ.
Anh Nguyễn Thành Trung, một chủ doanh nghiệp nhỏ tại quận Thanh Xuân nằm trên trục đường Cát Linh – Hà Đông, cho biết anh vẫn lựa chọn giải pháp sử dụng ô tô riêng thay vì đi tàu như khuyến khích của các cơ quan quản lý thành phố.
“Thời gian đâu mà đi mấy cái lăng nhăng đấy. Mình làm kinh doanh nên giờ giấc nó cũng linh động mà. Mình toàn đi rất muộn và về muộn…nên đi xe riêng cho nó tiện,” anh Trung chia sẻ.