Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vào ngày 16/9 đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương, vì vai trò liên quan trong vụ án Việt Á.
Ông Phạm Xuân Thăng - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh - bị kết luận đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương".
Trước đó, tại kỳ họp vào tháng 8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận các sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hải Dương là “đến mức phải xem xét kỷ luật”.
Cơ quan kiểm tra trung ương cho rằng các lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã thiếu kiểm tra, giám sát, để cho UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch, nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia xét nghiệm trái quy định. Một số cán bộ tham nhũng, nhận hối lộ đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
“Vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, nguồn lực của xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận.
Tỉnh Hải Dương từng là tâm dịch Covid-19 tại Việt Nam. Số lượng ca nhiễm cao đã khiến tỉnh này phải quyết định phong toả thành phố Hải Dương và toàn tỉnh để dập dịch nhiều đợt.
Đại án tham nhũng liên quan đến việc thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á cho đến nay đã khiến gần 100 người bị khởi tố, trong đó có nhiều quan chức cấp cao nhất của Bộ Y tế và các tỉnh thành như: Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh…