Malaysia vừa thả 37 ngư dân Quảng Nam về Việt Nam vào tối 22/9 sau hơn 3 tháng giam giữ, tịch thu toàn bộ phương tiện và phạt họ nhiều tỉ đồng.
Truyền thông Việt Nam cho biết các ngư dân rời sân bay Kinabalu của Malaysia vào lúc 2h sáng nay, khởi hành từ Kuala Lumpur về Tân Sơn Nhất và đáp xuống Đà Nẵng lúc hơn 10h cùng ngày. Tình hình sức khoẻ của các ngư dân đều ổn định.
Trước đó vào ngày 11/6, tàu cá QNa 95005 TS của ông Trần Văn Mạnh và 42 ngư dân Việt Nam đã bị chính quyền Malaysia bắt giữ tại khu vực Tanjung Simpang Mengayau Kudat với cáo buộc đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của nước này.
Tuy nhiên, theo văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 29/6, hệ thống giám sát của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ghi nhận tàu QNa 95005 TS đang hoạt động ở vị trí 8 độ 14 phút bắc, 115 độ 18 phút nam, cách đảo Công Đo (thuộc quần đảo Trường Sa – nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền) khoảng 9 hải lý về phía Đông Nam thì bị Malaysia bắt giữ.
Phía Việt Nam nói trích xuất dữ liệu giám sát hành trình tàu cá QNa-95005-TS của Sở Nông Nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam thì từ ngày 25/4 đến ngày 11/6, tàu cá này hoạt động nằm trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản của Việt Nam.
Trong số các ngư dân bị bắt giữ, có 5 ngư dân chưa đủ tuổi và có những người có bệnh nền đã được chủ tàu phối hợp với chính quyền địa phương cho trở về vào ngày 14/7.
37 người còn lại đã bị nhà chức trách Malaysia tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 30/8, tòa án Kota Kinabalu của Malaysia xét xử vụ việc và ra phán quyết buộc thuyền trưởng Trần Văn Mạnh phải nộp phạt 150.000 RM (khoảng hơn 900 triệu đồng), 36 ngư dân bị phạt 20.000 RM mỗi người.
Các ngư dân sau khi đã nộp phạt phải đợi hơn 20 ngày sau mới được thả ra.
Khi vừa về nước, thuyền trưởng Trần Văn Mạnh nói với báo Thanh Niên rằng phía Malaysia đã tịch thu toàn bộ hải sản mà các ngư dân đã đánh bắt được trong mấy tháng trước đó, đồng thời tịch thu toàn bộ ngư cụ, thuyền và cả tư trang của thuyền viên trên tàu.
Theo lời ngư dân này, để được trở về nước, cá nhân anh phải đóng phạt cho phía Malaysia khoảng 5 tỉ đồng, bao gồm tiền thuê luật sư bào chữa, chưa kể tiền vé máy bay để về nước.
Trước đó, tại buổi họp báo ngày 25/8, khoảng 1 tuần sau khi thông tin về vụ bắt giữ ngư dân được loan ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Bộ này đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên lạc với phía Malaysia để xác minh và đề nghị hỗ trợ tàu cá, ngư dân bị bắt, tìm hiểu thông tin, thăm hỏi và động viên các ngư dân, đồng thời “giao thiệp” và đề nghị phía Malaysia đối xử nhân đạo với các ngư dân, sớm xử lý vụ việc phù hợp với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, tạo điều kiện cho các ngư dân sớm được tự do và trở về nước.