Các thị trường dầu mỏ đang chuẩn bị cho sự thay đổi lớn nhất trong dòng chảy thương mại toàn cầu từ trước đến nay vì gần 3 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga sẽ phải chuyển hướng sang các thị trường bên ngoài châu Âu và các nền kinh tế tiên tiến khi các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp châu Âu có hiệu lực trong những tháng tới, Giám đốc điều hành hãng Vitol cho biết.
Liên hiệp châu Âu sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào ngày 5/12 và các sản phẩm dầu của Nga vào ngày 5/2, tước đi nguồn thu từ dầu của Nga và buộc một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới phải tìm kiếm thị trường thay thế.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, dẫn đầu là Hoa Kỳ, có kế hoạch giữ cho dầu của Nga vẫn có thể mua bán được và giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung có thể khiến cho giá dầu tăng đột biến bằng cách áp đặt trần giá đối với hàng xuất khẩu của Nga.
Giám đốc điều hành của hãng buôn bán năng lượng và hàng hóa Vitol, ông Russell Hardy, cho biết dầu của Nga sẽ được chuyển hướng sang châu Á và Trung Đông, trong khi sản phẩm của châu Á sẽ được xuất khẩu sang châu Âu do dòng chảy thương mại thay đổi.
Tuy nhiên, khoảng 2 triệu thùng/ngày dầu thô của Nga và 1 triệu thùng/ngày các sản phẩm dầu sẽ phải chuyển đi nơi khác, gây căng thẳng cho ngành vận chuyển, ông Giovanni Serio, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Vitol, cho biết tại hội nghị dầu mỏ châu Á-Thái Bình dương APPEC 2022.
Ông nói rằng thông thường một chuyến vận chuyển dầu xuất khẩu của Nga sang châu Âu mất khoảng 7 ngày và nếu xuất khẩu đến châu Á, nó sẽ dài hơn gấp ba lần, tức 21 ngày.
Điều này tương ứng với mức tăng gần 3% trong hoạt động vận chuyển được tính bằng tấn-dặm, ông nói. Một tấn-dặm được định nghĩa là một tấn hàng hóa được vận chuyển đi một dặm, phản ánh khối lượng và khoảng cách vận chuyển.
Ông nói, một thách thức quan trọng mà các nhà kinh doanh phải đối mặt là sự thiếu hụt các tàu Aframax nhỏ hơn, cần cho việc vận chuyển dầu của Nga.
Ông nói thêm rằng những tắc nghẽn càng trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến các công ty vận tải biển, công ty bảo hiểm và nhà cung cấp dịch vụ tài chính của châu Âu vị họ bị ngăn cản, không được tham gia vào hoạt động buôn bán dầu của Nga ở các khu vực khác.
Ông Sergio nói thế giới sẽ phải vật lộn với nguồn cung ít hơn nếu dầu của Nga không thể chuyển hướng sang nơi khác vì những ràng buộc vĩ mô và vi mô, chẳng hạn như các quốc gia nhận thấy rằng việc mua dầu là “không hợp lý về mặt chính trị”.
Tập đoàn năng lượng nhà nước Pertamina của Indonesia, nơi đang xem xét mua dầu thô của Nga, vẫn đang đánh giá các tính năng kỹ thuật về tính phù hợp của dầu thô đối với các hệ thống lọc dầu và cơ chế thanh toán, ông Triharyo Soesilo, cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Năng lượng & Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, nói với Reuters.
“Hiện đang có những kế hoạch để giải quyết những vấn đề kỹ thuật này, nhưng vẫn chưa được quyết định”, ông nói thêm.
Bộ trưởng Năng lượng Indonesia trước đó nói rằng chính phủ sẵn sàng mua dầu giá rẻ từ bất kỳ quốc gia nào, mặc dù họ vẫn chưa mua dầu của Nga vì “không có sẵn hàng”.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã loại trừ các biện pháp trừng phạt thứ cấp để thực thi cơ chế giới hạn giá đối với xuất khẩu dầu của Nga, bất chấp đề xuất của các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ vào tuần trước.
Trước đó, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đề xuất rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng quốc tế để tăng cường giới hạn giá nhằm giới hạn nguồn thu từ dầu mỏ của Nga trong khi giảm thiểu tác động đến thị trường và giá toàn cầu.
Catherine Wolfram, Phó trợ lý bộ trưởng phụ trách kinh tế năng lượng và khí hậu tại Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nói với các phóng viên bên lề hội nghị APPEC 2022 rằng: “Chúng tôi không nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp là cần thiết”.
“Chúng tôi có tất cả các nhà cung cấp dịch vụ là một phần của liên minh và mỗi quốc gia sẽ đưa ra một số biện pháp trừng phạt”.
Bà Wolfram cho biết các nhà chức trách sẽ công bố hướng dẫn đầy đủ về cách thực hiện giới hạn giá dầu của Nga trước khi các lệnh trừng phạt của Liên hiệp châu Âu đối với xuất khẩu dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12.
Giới hạn giá sẽ áp dụng đối với dầu thô của Nga trong mọi giao dịch, nhưng không áp dụng đối với các sản phẩm tinh lọc được sản xuất từ dầu thô của Nga, bà Wolfram cho biết.
Bà Wolfram nói thêm rằng bà không mong đợi Trung Quốc và Ấn Độ tham gia liên minh chính thức ở cấp chính phủ vì nó sẽ không vì lợi ích của họ, nhưng cho biết một số công ty Ấn Độ và Trung Quốc sẽ thấy lợi ích kinh tế của họ trong việc tiếp tục sử dụng các dịch vụ thương mại được cung cấp bởi các nước G7 sau khi giới hạn giá được áp dụng.