Nhà sản xuất xe điện Việt Nam, VinFast, hôm 24/10 cho biết họ nhận được gói trợ giúp tài chính 135 triệu đô la do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) huy động. Đây là một phần trong nỗ lực của ngân hàng nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu trong khu vực, theo Reuters.
VinFast, chi nhánh ô tô của tập đoàn lớn nhất Việt Nam Vingroup, cho biết năm ngoái, họ đã lên kế hoạch huy động ít nhất 400 triệu đô la thông qua khoản vay xanh đầu tiên để tài trợ cho việc sản xuất xe điện.
“Khoản hỗ trợ bao gồm các khoản vay kỳ hạn 7 năm, trong đó có khoản vay 20 triệu đô la từ ADB, song song với khoản vay 87 triệu đô la do ADB xúc tác trên cương vị chủ trì thu xếp vốn được ủy quyền, và khoản vay ưu đãi lên tới 28 triệu đô la”, Reuters dẫn một tuyên bố chung của hai tổ chức cho biết .
Export Finance Australia, Quỹ Hợp tác Công nghiệp Phần Lan, Oesterreichische Entwicklungsbank AG, và ResponsAbility cũng tham gia vào các khoản vay song song, tuyên bố cho biết thêm.
Đây là gói tài trợ được Sáng kiến Trái phiếu khí hậu chứng nhận và là cơ chế gắn nhãn cho các trái phiếu, khoản vay và công cụ nợ khác để góp phần khắc phục biến đổi khí hậu.
Các khoản vay tài chính dành cho VinFast được cho biết là nhằm để hỗ trợ cho việc sản xuất xe buýt điện vận tải công cộng và mạng lưới trạm sạc xe điện đầu tiên của Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.
“Dự án này mang lại một giải pháp giao thông bền vững, có tác động lớn cho Việt Nam, đồng thời giúp quốc gia này đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và hỗ trợ gia tăng tài chính khí hậu trong khu vực”, bà Suzanne Gaboury, Tổng vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ khu vực tư nhân của ADB nói.
Theo đại diện của ADB, “Châu Á và Thái Bình Dương là tiền tuyến của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, và các dự án của khu vực tư nhân như dự án này với các đối tác sáng tạo như VinFast là rất quan trọng để giúp các quốc gia khử carbon trong nền kinh tế của họ”.
VinFast bắt đầu hoạt động vào năm 2019 và ngừng sản xuất ô tô chạy bằng động cơ đốt trong vào tháng 8. Hiện công ty này đang đặt mục tiêu doanh số bán xe điện toàn cầu là 750.000 chiếc mỗi năm vào năm 2026 và đang chuẩn bị mở rộng tại thị trường Mỹ.
Hãng thông tấn Anh dẫn số liệu chính thức cho biết lĩnh vực giao thông vận tải của Việt Nam chiếm 18% lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Theo ADB, khoản trợ giúp tài chính này cũng sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050.