Ông Rishi Sunak sẽ phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của bất kỳ tân lãnh đạo nào khi ông trở thành thủ tướng Anh vào thứ Ba 25/10. Ông cần giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang xấu đi, mâu thuẫn trong đảng và một đất nước bị chia rẽ sâu sắc.
Cựu bộ trưởng tài chính 42 tuổi đã trở thành thủ tướng thứ ba của Anh trong vòng chưa đầy hai tháng, sau khi đấu đá nội bộ và tranh cãi gay gắt tại Westminster đã khiến các nhà đầu tư kinh hoàng và các đồng minh quốc tế lo lắng.
Ông cựu chủ quỹ đầu cơ - và là một trong những chính trị gia giàu có nhất trong quốc hội - giờ đây sẽ cần phải cắt giảm chi tiêu sâu để bù lỗ 40 tỷ bảng Anh (45 tỷ USD) tài chính công vào thời điểm mà vị thế đảng của ông ở trong nước đã giảm mạnh.
Ông cảnh báo các đồng nghiệp thuộc đảng Bảo thủ hôm 24/10 rằng đảng phải đối mặt với một “cuộc khủng hoảng hiện hữu” nếu không giúp đưa đất nước vượt qua những gì ông mô tả là “thách thức kinh tế sâu sắc”.
“Bây giờ chúng ta cần sự ổn định và thống nhất, và tôi sẽ đặt ưu tiên hàng đầu của mình cho việc gắn kết đảng và đất nước của chúng ta lại với nhau”.
Ông Sunak, thủ tướng trẻ nhất của Anh trong hơn 200 năm và là nhà lãnh đạo da màu đầu tiên của nước này, sẽ thay thế bà Liz Truss, người đã từ chức sau 44 ngày tại vị sau khi một khoản “ngân sách nhỏ” gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Với chi phí lãi vay tăng và triển vọng kinh tế xấu đi, ông Sunak sẽ cần phải xem xét lại tất cả các khoản chi tiêu, bao gồm cả các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như y tế, giáo dục, quốc phòng, phúc lợi và lương hưu.