Nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20, Indonesia, đang chờ xem liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự hay không, ngoại trưởng Indonesia cho biết hôm thứ Năm (3/11), nói thêm rằng quan điểm khác biệt về Ukraine đã khiến cho việc chuẩn bị cho cuộc họp trở nên đặc biệt khó khăn.
Việc Indonesia làm chủ tịch G20 trong năm nay và công việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ngày 15-16/11 trên đảo Bali đã bị lu mờ bởi cuộc chiến ở Ukraine, vốn đang dẫn đến khủng hoảng lương thực và năng lượng, với 20 nền kinh tế mạnh nhất thế giới bất đồng về cách ứng phó với nó.
Ngoại trưởng Retno Marsudi nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn rằng việc ông Putin tham dự cuộc họp có thể chỉ biết rõ vào phút cuối.
“Chúng ta hãy đợi đến ngày D-Day”, bà nói, khi được hỏi liệu sự tham dự của nhà lãnh đạo Nga đã được xác nhận hay chưa.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ tham dự thượng đỉnh.
Khi Indonesia đảm nhận vai trò chủ tịch của G20 vào tháng 12, mối quan tâm lớn nhất là việc phục hồi sau đại dịch virus corona, bà nói, nhưng điều đó đã thay đổi với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào ngày 24/2.
Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là “hoạt động đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine và phi phát xít hoá nước này. Ukraine và phương Tây cho rằng cáo buộc phát xít là vô căn cứ và cuộc chiến là một hành động xâm lược vô cớ.
Với tư cách là nước chủ nhà G20, Indonesia đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách, với việc Tổng thống Joko Widodo thăm cả Kyiv và Moscow vào tháng 6 và mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Việc ông Zelenskyy có tham dự hay không vẫn chưa được xác nhận nhưng Ukraine hôm thứ Ba đã kêu gọi trục xuất Nga khỏi G20 và thu hồi lời mời ông Putin đến hội nghị thượng đỉnh Bali.
Khi được hỏi về lời kêu gọi đó, bà Retno nói rằng đó không phải là đặc quyền của chủ tịch G20.
Bà nói: “Chủ tịch không có quyền khai trừ, trừ khi đó là sự đồng thuận của các nước thành viên G20”.