Tòa án Iran sẽ xử lý kiên quyết bất kỳ ai gây rối hoặc phạm tội trong làn sóng biểu tình chống chính phủ, cơ quan tư pháp cho biết hôm thứ Ba 8/11, báo hiệu các nhà chức trách có ý định đưa ra các bản án nghiêm khắc đối với những người biểu tình bị kết án.
Các cuộc biểu tình đã kéo dài 8 tuần - bất chấp các biện pháp an ninh mạnh mẽ và cảnh báo cứng rắn từ lực lượng an ninh - là một trong những thách thức lớn nhất đối với giới tăng lữ lãnh đạo Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Hơn 1.000 người đã bị truy tố chỉ riêng ở tỉnh Tehran vì liên quan đến “bạo loạn”, theo cách gọi của chính phủ.
“Giờ đây, công chúng, thậm chí cả người biểu tình không ủng hộ bạo loạn, yêu cầu các cơ quan tư pháp và an ninh phải xử lý số ít những kẻ đã gây rối một cách kiên quyết, mang tính răn đe và hợp pháp”, phát ngôn viên Bộ tư pháp Masoud Setayeshi nói.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra vào tháng 9 sau cái chết của một phụ nữ người Kurd, Mahsa Amini, người đã bị cảnh sát đạo đức giam giữ vì bị cáo buộc đã vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục đối với phụ nữ tại nước Cộng hòa Hồi giáo.
Hôm thứ Ba, các sinh viên thuộc Đại học Khoa học và Văn hóa ở Tehran đã hướng sự giận dữ của họ vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ và giới tăng lữ cầm quyền.
“Năm nay Lực lượng Vệ binh Cách mạng sẽ có thương vong, cùng với toàn bộ chế độ”, những người này hô vang, theo một tài khoản Twitter có 330.000 người theo dõi chuyên tập trung vào tình hình bất ổn.
Hãng thông tấn HRANA của giới hoạt động cho biết 321 người biểu tình đã thiệt mạng trong tình hình bất ổn tính đến thứ Hai, trong đó có 50 trẻ vị thành niên. 38 thành viên của lực lượng an ninh cũng đã bị giết, hãng tin này cho biết thêm.
Truyền thông nhà nước vào tháng trước nói rằng hơn 46 thành viên của lực lượng an ninh, bao gồm cả cảnh sát, đã thiệt mạng.
Các quan chức chính phủ không đưa ra ước tính nào về số người chết.