Một báo cáo của Trung tâm Di cư Liên bang Bỉ vừa công bố hôm thứ Tư (8/12) cho biết nạn buôn người nói chung và đặc biệt là buôn người từ Việt Nam sang châu Âu đã gia tăng trong thập niên qua, và những kẻ buôn người ngày càng hoạt động tích cực ở Bỉ khiến nước này trở thành trung tâm của châu Âu của các đường dây buôn người từ Việt Nam.
Theo báo cáo của Trung tâm Di cư Liên bang Bỉ Myria, từ tháng 5 năm 2018 đến tháng 5 năm 2020, trong số 335 người Việt Nam được đưa lậu vào châu Âu, gần 60% đã đi qua các điểm trú tạm ở Bỉ và Pháp trước khi đến Vương quốc Anh.
Tờ Politico dẫn lời chuyên gia Stef Janssens, nhà nghiên cứu về nạn buôn người tại Myria, cho biết: “Do vị trí địa lý gần với Pháp và Anh, Bỉ trở thành trung tâm quan trọng của các mạng lưới buôn lậu người Việt Nam”.
Báo cáo cũng tiết lộ rằng 28 nạn nhân của nạn buôn người trong các vụ trầm trọng, bao gồm việc nhắm mục tiêu vào trẻ vị thành niên và sử dụng bạo lực hoặc đe dọa, đã được ghi danh tham gia một chương trình tư vấn ở Bỉ vào năm ngoái, trong đó có 23 người là người Việt Đây là con số cao thứ hai trong vòng 10 năm qua.
Trình trạng buôn người từ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của quốc tế sau khi 39 di dân Việt Nam được phát hiện chết trong một chiếc xe tải đông lạnh ở hạt Essex, đông nam nước Anh, khi đang trên đường đến Anh từ Zeebrugge, Bỉ, vào tháng 10 năm 2019. Một số nạn nhân được cho là bị buôn bán bất hợp pháp sang châu Âu để làm lao động cưỡng bức.
Mạng lưới tội phạm người Việt gây ra thảm kịch này đã hoạt động ở Bỉ từ năm 2018 và buôn lậu hơn 150 người sang châu Âu tính cho đến năm 2020, và đã kiếm được khoảng 7 triệu euro trong thời gian này, báo cáo cho biết, đồng thời thêm rằng nạn buôn người vẫn tiếp tục diễn ra sau thảm kịch chấn động trên, thậm chí giá vận chuyện cho hành trình nguy hiểm này còn tăng lên sau đó.
“Các nạn nhân được tuyển dụng với những lời hứa hão huyền về việc làm và thường lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Họ chủ yếu được buôn lậu vào Vương quốc Anh trong những điều kiện nguy hiểm đến tính mạng và phải làm việc trong điều kiện bóc lột trên đường đi, bao gồm cả ở Bỉ”, báo cáo viết.
“Chúng tôi thấy rằng các nạn nhân Việt Nam bị nhốt trong điều kiện tồi tệ tại các trại tạm trú, cho đến khi họ thu xếp xong việc thanh toán các khoản nợ”, chuyên gia Stef Janssens cho biết.
Một cô gái Việt Nam 16 tuổi được trích dẫn trong báo cáo nói rằng “Ở Hy Lạp, người đứng đầu nơi trú ẩn hỏi tôi có muốn ngủ với anh ta không, điều đó có nghĩa là để quan hệ tình dục. Nếu tôi làm điều đó, tôi có thể được rời đi sớm hơn”.
Do tiêu tốn chi phí quá lớn cho chuyến đi, các nạn nhân thường phải gánh những khoản nợ khổng lồ, khiến họ dễ bị bóc lột về kinh tế khi phải làm việc bất hợp pháp tại các tiệm làm móng, nhà hàng… tại Bỉ.
Nạn buôn người từ Việt Nam sang châu Âu đã trở thành một vấn nạn trong những năm gần đây. Một báo cáo năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng các mạng lưới buôn lậu người Việt Nam đưa khoảng 18.000 người từ Việt Nam sang châu Âu mỗi năm, một giao dịch bất hợp pháp giúp cho các mạng lưới này kiếm khoảng 300 triệu euro mỗi năm.