Ô tô điện VF8 của hãng VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam bị cho là khó cạnh tranh ở Mỹ, theo hai bài báo được đăng hôm 13/12 trên trang MotorTrend chuyên về ô tô và trang dot.LA chuyên về công nghệ.
Bài báo của tác giả David Shultz trên dot.LA cho hay VinFast vào ngày 25/11 đã xuất khẩu 999 chiếc xe đầu tiên của hãng từ Hải Phòng sang Mỹ và lô xe này sẽ cập cảng ở California vào ngày 15/12.
Vào ngày 29/11, VinFast gửi email đến những người đã đặt cọc mua xe để thông báo rằng xe VF8 trong lô xuất khẩu ban đầu này là bản đặc biệt City Edition, có tầm xe chạy là 180 dặm (290 kilomet), thấp hơn so với các phiên bản có tầm chạy 260-292 dặm đã được quảng cáo trước đây, theo bài viết của ông Shultz.
Vào dịp cuối tuần vừa qua, VinFast, có văn phòng ở Los Angeles, xác nhận qua Twitter với dot.LA về thông tin kể trên, đồng thời cho biết thêm phiên bản tiêu chuẩn của VF8 sẽ đến Mỹ vào quý 1/2023.
Đây là một diễn biến có thể xem là gây bất ngờ vì trước khi VinFast gửi email đến khách hàng hôm 29/11, hầu như không có thông tin nào đề cập đến phiên bản mới City Edition, tác giả Shultz viết. Bài viết của ông trên dot.LA cho biết những chiếc VF8 đó có giá 52.000 đô la.
Trên trang MotorTrend, cây bút Christian Seabaugh đặt câu hỏi “180 dặm có giá 55.000 đô la: Liệu chiếc SUV VinFast VF8 2023 có chen chân được vào nước Mỹ?”
Tác giả Seabaugh tường thật rằng mới đây ông dự một buổi lái thử một phiên bản mẫu trước khi sản xuất hàng loạt của chiếc VF8, cuộc đi thử được tổ chức ở Los Angeles. Ông viết rằng chưa thể đưa ra đánh giá cuối cùng về chiếc xe mà phải chờ đến khi ngồi lái nhiều hơn trong phiên bản sản xuất hàng loạt.
Sau buổi lái thử, cây bút của MotorTrend liên lạc với bộ phận truyền thông của VinFast và được xác nhận rằng bản City Edition của VF8 có giá 55.000 đô la và tầm chạy 180 dặm, còn các bản Eco và Plus vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và xin cấp phép với Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA).
Mức giá này nhiều khả năng là “viên thuốc khó nuốt” đối với những người đặt cọc mua xe VinFast, nhà báo Seabaugh nhận định. Kể cả xem xét đến các phiên bản khác của VF8, có thể có tầm chạy nhiều hơn, nhưng giá khởi điểm là khoảng 57.000 đô và vẫn phải chờ thêm vài tháng nữa mới có xe, vẫn theo tác giả.
Cả MotorTrend lẫn dot.LA, hai hãng truyền thông đặt ở Mỹ, đều cho rằng với các thông số như nêu trên, VF8 sẽ có một sự khởi đầu khó khăn trên đất Mỹ.
Trang dot.LA nhận định chiếc xe này sẽ khó cạnh tranh, khó thuyết phục khách hàng ở Mỹ khi xét đến thực tế rằng VinFast là một hãng xe của Việt Nam không mấy người biết tiếng và chưa được kiểm nghiệm.
Để so sánh, dot.LA đưa ra một số sản phẩm của các hãng khác đã có lịch sử hoạt động nhiều năm và đã thành danh, bao gồm Hyundai Ioniq 5 đời 2023 chạy được 220 dặm, giá khởi điểm 42.745 đô la, loại chạy được 303 dặm có giá 60.000 đô la; Kia EV6 bản thấp nhất có giá 49.795 đô la, tầm chạy 206 dặm; hay Mustang Mach E có giá thấp nhất là 46.895 đô la, chạy được 224 dặm.
“Bạn sẽ rất khó tìm được một chiếc ô tô điện đời 2023 nào lại có tỷ lệ ‘giá bán trên tầm xe chạy’ lại kém hơn chiếc VF8 của VinFast”, tác giả Shultz viết trên dot.LA.
Vẫn ông Shultz đưa ra quan sát rằng phản ứng của dư luận về tin tức này, đặc biệt là trong mạng xã hội Reddit, phần lớn là tiêu cực.
Theo quan sát của VOA, cho đến nay VinFast chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về hai bài báo do dot.LA và MotorTrend đăng. VOA cố gắng liên lạc với VinFast để tìm hiểu phản ứng của hãng nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Các bài báo của dot.LA và MotorTrend xuất hiện vào thời điểm VinFast đang chờ quyết định của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) về hồ sơ của hãng đăng ký bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên sàn Nasdaq.
Bản cáo bạch của VinFast nộp cho SEC ngày 6/12 cho thấy hãng có tổng tài sản hơn 4,4 tỷ đô la, nhưng đang nợ tổng cộng xấp xỉ 8,8 tỷ đô la và bị lỗ lũy kế lên đến gần 4,7 tỷ đô la.
Tính đến ngày 30/9/2022, nợ ngắn hạn của hãng là hơn 5,3 tỷ đô la, nợ dài hạn là gần 3,5 tỷ đô la. Lỗ ròng của hãng tính theo từng năm là gần 800 triệu đô la vào năm 2020; hơn 1,3 tỷ đô la vào năm 2021; và hơn 1,4 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2022.
Giáo sư, tiến sỹ Khương Hữu Lộc, một giám đốc tài chính và chuyên gia kinh tế ở Texas, Mỹ, nhận xét với VOA rằng khi một công ty bất kỳ có tỷ lệ tài sản trên số nợ và số lỗ như nêu trên, sức khỏe của công ty đó “rất xấu”, với hiểm họa về tính thanh khoản “rất lớn”.