Tên lửa SpaceX đưa vệ tinh đầu tiên chuyên khảo sát về nước trên toàn cầu vào quỹ đạo

Hình ảnh mô phỏng về vệ tinh SWOT được thiết kế, chế tạo tại cơ sở của NASA gần Los Angeles.

Một tên lửa của hãng SpaceX phóng lên vào sáng sớm thứ Sáu 16/12 mang theo một vệ tinh Mỹ-Pháp được thiết kế để thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu chưa từng có về nước trên bề mặt của trái đất, là một sứ mệnh được kỳ vọng sẽ làm sáng tỏ về cơ chế và hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tên lửa đẩy Falcon 9 do công ty tên lửa thương mại của ông Elon Musk sở hữu và vận hành rời bệ phóng tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg của Mỹ, cách Los Angeles khoảng 260 km về phía tây bắc.

Tầng trên của Falcon 9, mang theo vệ tinh, đến quỹ đạo trong vòng 9 phút. Trước đó không lâu, tầng dưới có thể tái sử dụng đã tách khỏi tên lửa và tự bay trở lại trái đất.

Khối hàng quan trọng trong cuộc phóng này là vệ tinh vẽ bản đồ nước bề mặt và đại dương - Surface Water and Ocean Topography - gọi tắt là SWOT. Vệ tinh này được thả vào quỹ đạo xuất phát của nó cách hành tinh trái đất khoảng 850 km chỉ chưa đầy một giờ sau khi phóng.

Khoảng nửa giờ sau, bộ phận kiểm soát chương trình của cơ quan vũ trụ Pháp CNES ở Toulouse, Pháp, báo cáo rằng họ thu được toàn bộ tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh, xác nhận rằng các hệ thống SWOT đang hoạt động, NASA cho biết.

Điểm quan trọng nhất của vệ tinh là công nghệ radar vi sóng tiên tiến để thu thập các phép đo đạc có độ nét cao về đại dương, hồ tự nhiên, hồ chứa và sông ngòi trên 90% địa cầu.

Các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu, được tổng hợp từ các lần quét radar ít nhất hai lần trong 21 ngày, sẽ được sử dụng để tăng cường cho các mô hình về hải lưu, hỗ trợ dự báo thời tiết và khí hậu, đồng thời hỗ trợ việc quản lý nguồn cung cấp nước ngọt ở các vùng bị hạn hán.

Các thành phần của quả vệ tinh to bằng một chiếc ô tô SUV chủ yếu là do Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA gần Los Angeles và CNES chế tạo.

Một mục tiêu chính của chương trình này là tìm hiểu cách thức các vùng đại dương hấp thụ nhiệt trong khí quyển và carbon dioxide (CO2), trong một quá trình điều hòa nhiệt độ toàn cầu một cách tự nhiên và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Hiểu được cơ chế đó sẽ giúp trả lời một câu hỏi then chốt - đâu là điểm gây mất cân bằng mà tại đó các đại dương bắt đầu giải phóng ra, thay vì hấp thụ, một lượng nhiệt lớn trở lại bầu khí quyển, do đó làm tăng thêm tình trạng ấm lên toàn cầu thay vì hạn chế nó.

Các vùng nước ngọt là một trọng tâm chính nữa của SWOT. Vệ tinh này được trang bị để quan sát toàn bộ chiều dài của gần như tất cả các con sông rộng hơn 100 mét, cũng như hơn 1 triệu hồ tự nhiên và hồ chứa.

Vệ tinh dự kiến sẽ bắt đầu gửi ra dữ liệu nghiên cứu sau vài tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động.

(Reuters)