Tổ chức Y tế Thế giới thúc giục Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về nguồn gốc virus corona gây ra đại dịch COVID thảm khốc toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc họp báo cuối năm hôm 21/12 nhằm đánh giá tình hình y tế toàn cầu trong năm 2022.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói số ca tử vong COVID ghi nhận hàng tuần đã giảm gần 90% kể từ đỉnh dịch hồi cuối tháng Giêng.
Tuy nhiên ông lưu ý còn quá nhiều bất định và cách biệt để có thể công bố đại dịch đã chấm dứt. Ông nói cách biệt về tỷ lệ tiêm chủng khiến hàng triệu người có nguy cơ cao bị bệnh nặng và tử vong vì COVID. Ông cũng cảnh báo cách biệt trong hiểu biết về cách đại dịch bắt đầu đang hạn chế khả năng của giới khoa học ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.
“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu và tiến hành các cuộc nghiên cứu mà chúng tôi đã và vẫn tiếp tục yêu cầu. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, mọi giả thuyết về nguồn gốc đại dịch này vẫn còn trên bàn cân nhắc.”
Virus gây đại dịch được xác định đầu tiên ở Vũ Hán vào tháng 12 năm 2019. Kể từ đó tới nay có gần 650 triệu ca xác nhận nhiễm COVID, trong đó có hơn 6,6 triệu người chết.
Trung Quốc bác những lời kêu gọi trước đây về điều tra nguồn gốc COVID, nói rằng các yêu cầu đó mang động cơ chính trị. Bắc Kinh cũng phủ nhận ý kiến cho rằng virus có thể bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm sinh học của họ.
Ông Tedros bày tỏ quan ngại về tình hình COVID đang diễn biến tại Trung Quốc và nói rằng WHO ngày càng nhận được nhiều báo cáo về bệnh nặng lan tràn khắp cả nước.
“Để có thể đánh giá rủi ro toàn diện về tình hình thực địa, WHO cần thông tin chi tiết hơn về mức nguy kịch của dịch bệnh, tình hình nhập viện, và nhu cầu hỗ trợ ICU. WHO đang hỗ trợ Trung Quốc tập trung nỗ lực tiêm chủng những người có nguy cơ cao nhất trên cả nước,” ông nói.
COVID-19 sẽ tiếp tục là một mối nguy hiểm cho năm tới và sau đó nữa, tuy nhiên, ông Tedros nói thế giới đã đạt những bước tiến đáng kể tiến tới việc kiểm soát và chế ngự tầm lây lan của dịch bệnh chết người.
Ông cho biết một quỹ mới dành cho ngăn chặn, chuẩn bị, và đáp ứng đại dịch đã được lập ra. Thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý này sẽ khiến các nước cùng làm việc với nhau để giải quyết mối đe dọa của các đại dịch trong tương lai.