Giới đối kháng ở Myanmar quan ngại khi vài nước ASEAN gặp chính quyền quân quản

Cuộc họp không chính thức của ASEAN về Myanmar, 22/12/2022.

Hôm thứ Sáu 23/12, chính phủ đối kháng đang hoạt động ngầm ở Myanmar kêu gọi ASEAN chớ có từ bỏ chính sách gạt các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar khỏi các cuộc họp của khối, sau khi Thái Lan đón tiếp các bộ trưởng thuộc chính quyền quân quản trong cuộc họp không chính thức với các quan chức Đông Nam Á khác.

Một quan chức Campuchia cho biết các bộ trưởng trong chính phủ của Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam đã gặp các đại diện của chính quyền quân quản Myanmar ở Bangkok hôm 22/12 để "tìm cách đưa tình hình trở lại bình thường", trong bối cảnh bạo lực, rối loạn chính trị và kinh tế vẫn tiếp diễn ở Myanmar sau cuộc đảo chính năm ngoái.

Nhưng các thành viên chủ chốt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - cũng là những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất về chính quyền quân quản - gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đã từ chối lời mời tham dự cuộc họp.

Theo một tuyên bố từ người phát ngôn Kyaw Zaw, Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Myanmar (NUG) nói rằng họ hy vọng ASEAN sẽ tiếp tục tuân theo "chính sách hiện hành về việc chỉ chấp nhận sự hiện diện phi chính trị tại các hội nghị thượng đỉnh và cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao".

Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 23/12 cho biết mục tiêu của cuộc họp vừa rồi là để thảo luận việc đẩy nhanh hoạt động thực hiện tiến trình hòa bình gồm 5 điểm đã được nhất trí giữa ASEAN và chính quyền quân quản, bao gồm chấm dứt giao tranh, cho phép tiếp cận nhân đạo và thu hút sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chum Sounry cho biết: “Điều này bao gồm cơ hội lắng nghe ý kiến từ Myanmar... cũng như tìm tòi các cách tiếp cận khác có thể hỗ trợ việc thực hiện Kế hoạch Đồng thuận 5 điểm”.

Thời gian qua, ASEAN ngày càng thất vọng với việc thiếu tiến triển trong kế hoạch hòa bình từ phía chính quyền nhưng khối này đã loại trừ các biện pháp trừng phạt kiểu phương Tây đối với Myanmar hoặc trục xuất nước này khỏi nhóm 10 thành viên. Trước đây, chính quyền Myanmar đổ lỗi cho đại dịch COVID và các nhóm kháng chiến vũ trang về việc không đạt được hòa bình.

(Reuters)