Tình trạng siết chặt kiểm soát internet, cùng với việc nhà chức trách bắt giữ hàng chục nhà báo và blogger, thậm chí cả một người bán phở có tiếng, với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN” đang biến Việt Nam trở thành một trong những chế độ kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới về truyền thông, ngôn luận và đối với các công ty truyền thông xã hội.
Dẫn câu chuyện của blogger Bùi Văn Thuận, người đã lên tiếng chỉ trích nhà nước Việt Nam về mô hình “bộ đội đi chợ” khi chính quyền giao cho quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho người dân trong thời gian bị phong toả vì đại dịch, và ông Thuận mới đây bị bị kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế vì tội tuyên truyền, hãng tin Reuters trích lời các nhóm nhân quyền nói đây là một cáo buộc được Việt Nam ngày càng gia tăng áp dụng cho nội dung trực tuyến trong lúc nhà nước kiểm soát internet nhiều hơn.
“Chính phủ Việt Nam từ lâu đã kiểm soát các phương tiện truyền thông truyền thống trong nước. Giờ đây họ đang cố gắng kiểm soát không gian trực tuyến”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Reuters.
Ông Robertson cho rằng Việt Nam đã thông qua một loạt luật để đạt được mục đích đó và đang triển khai bộ máy nhà nước để theo dõi mọi người trên mạng, ép buộc các nền tảng trực tuyến phải kiểm duyệt và xóa nhiều nội dung, kiểm soát truy cập internet…
Trong vài năm gần đây, bằng cáo buộc tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền”, nhà chức trách Việt Nam đã bắt giữ hàng chục nhà báo và blogger, những người chia sẻ thông tin đi ngược với ý muốn của chính quyền.
Theo Reuteurs, với việc thắt chặt các quy định xử lý nội dung mà chính quyền nói là “sai sự thật” trên các nền tảng truyền thông xã hội, trong đó có quy định buộc phải gỡ xuống trong vòng 24 giờ, đã khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành một trong những chế độ kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới đối với các công ty truyền thông xã hội.